Báo chí: Nghề “hot” hấp dẫn giới trẻ

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi sinh viên báo chí cần học tập, rèn luyện tích cực để trở thành “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí Khi báo chí đồng hành cùng cơ sở...

“Toàn diện” từ lý thuyết đến thực hành

Báo chí luôn là ngành học hấp dẫn, thu hút được nhiều học sinh thi tuyển, trong đó có nhiều học sinh giỏi. Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành Báo chí và Thông tin thường xuyên xếp thứ 2, độ "hot" chỉ đứng sau khối ngành An ninh, Quốc phòng.

Một giờ học trên giảng đường của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một giờ học trên giảng đường của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành Báo chí tại Việt Nam như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Khoa học (Đại học Huế)…

Tuy nhiên, lịch sử tuyển sinh của một số trường ghi nhận, Báo chí - Truyền thông luôn là ngành "hot" thuộc top cao nhất với mức điểm chuẩn cao chót vót. Năm 2022, thậm chí có tổ hợp, thí sinh đạt trung bình mỗi môn 9 điểm vẫn không đỗ.

Đối với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Báo chí - Truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chắc hẳn sự lo lắng còn nhân lên rất nhiều. Chính vì chỉ tiêu thấp lại đông thí sinh đăng ký dự tuyển nên nhiều sĩ tử phải học hết “công suất” mới có cơ hội đỗ.

Nhận thấy nghề báo sẽ đem đến nhiều trải nghiệm, phù hợp với tính cách của mình nên Đỗ Thị Phương Huệ đã chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là bến đỗ cho 4 năm đại học. Vượt vũ môn với thành tích xuất sắc, Phương Huệ trở thành thủ khoa đầu vào Khoa Phát thanh - Truyền hình năm 2019 với điểm xét tuyển tổ hợp R16: Ngữ Văn đạt 8,75; Khoa học xã hội 9,75 và Năng khiếu báo chí 8,25. Hiện tại, Phương Huệ đang theo học lớp Truyền hình chất lượng cao K39.

Phương Huệ luôn cố gắng học tập, trau dồi kỹ năng nghề
Sinh viên Báo chí Đỗ Thị Phương Huệ

Nữ sinh viên chia sẻ: “Trong suốt thời gian học THPT, định hướng được đường đi trong tương lai cùng việc nhận thấy được những đặc thù của các môn học giúp em xây dựng được lộ trình học tập hiệu quả. Đối với các môn học có dung lượng lý thuyết lớn em tiến hành song song học và ôn tập thường xuyên.

Tần suất, mức độ ôn tập luôn đặt ở mức cao giúp kiến thức được khắc sâu và khó quên. Bên cạnh đó, việc học theo hệ thống sơ đồ tư duy cũng giúp kiến thức được hệ thống lại một cách logic, dễ học, dễ nhớ. Ngoài ra, việc ghi chép, chú thích, đánh dấu những mục, nội dung quan trọng hay những kiến thức nâng cao, liên hệ thực tế giúp cho nội dung bài thi trở nên sâu sắc, khác biệt hơn và gây được ấn tượng đối với cán bộ chấm thi”.

Thi đã khó, vào trường học còn áp lực hơn vì thế, Phương Huệ luôn cố gắng phấn đấu học tập, trau dỗi kỹ năng nghề, cộng tác với một số toà soạn để thực tập, làm việc.

Áp lực nhà báo “đa phương tiện”

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả các yếu tố: Phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp.

Mô hình chung hiện tại trong đào tạo báo chí truyền thông là gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện. Các trường luôn nỗ lực tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong công tác đào tạo; Điều chỉnh tăng lượng thực hành. Có những môn, thời lượng thực hành chiếm tới 2/3 chương trình. Nhiều hoạt động thực tế, thực tập, ngoại khóa cũng được các nhà trường hỗ trợ tích cực cho sinh viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Không chỉ giỏi viết, các bạn trẻ hiện nay còn phải giỏi cả làm báo đa phương tiện
Sinh viên báo chí hhiện nay không chỉ viết tốt mà còn phải giỏi làm báo đa phương tiện

Bạn Đinh Nguyệt Anh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo Truyền hình cho biết: “Em cảm thấy rất áp lực vì công việc của mình sau này. Ngay từ năm nhất, em đã tìm công việc làm thêm phù hợp và hiện tại đang cộng tác tại Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam để học hỏi tích lũy kinh nghiệm nghề”.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên có tư duy tốt, tích cực cộng tác với các cơ quan báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ nhanh chóng thích ứng với môi trường báo chí hiện đại.

Theo TS Đinh Thị Xuân Hòa, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Sinh viên phải nắm vững lý thuyết và có tác phẩm, sản phẩm thực hành cụ thể, với yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Ngoài thực tế chính trị xã hội, thực tập nghiệp vụ năm thứ ba và thực tập tốt nghiệp năm thứ tư, sinh viên cần thực hành nghề nghiệp qua từng môn học, tham gia các dự án và hoạt động tại các câu lạc bộ nghiệp vụ báo chí. Đặc biệt, các sinh viên phải tìm kiếm cơ hội cộng tác thường xuyên với các cơ quan báo chí để tích lũy kiến thức, rèn nghề".

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động