Báo chí góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng hành vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, đại diện các cơ quan báo chí trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của báo chí và kết quả hoạt động của báo chí. Ông cho rằng vừa qua báo chí đã góp phần vào thành công của công tác tư tưởng văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái thù địch.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong giai đoạn tới, báo chí có 5 sứ mệnh lớn cần thực hiện, đó là: Cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ định hướng tư tưởng; Báo chí phải đi từ thực tiễn, những vấn đề mới; Phải đồng hành cùng với dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; Nhận thức đầy đủ và làm tốt chức năng phản biện xã hội, phản biện đúng, trúng thực tiễn; Đóng vai trò xung kích trong lan tỏa cái đẹp, tích cực, hạn chế cái xấu, tiêu cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; Đồng hành và tiên phong hơn nữa trong việc tuyên truyền quan điểm đối ngoại của đất nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Báo chí đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, tạo đồng thuận xã hội
Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá công tác báo chí năm 2022 đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, báo chí đã thông tin, tuyên truyền tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Báo chí thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; Của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; Đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội…
Báo chí cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022; Tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Công tác thanh tra, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được thực hiện bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Nguyễn) |
Năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp kéo dài, chưa theo kịp yêu cầu của xã hội; Một số cơ quan chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí; Vai trò của hội nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Nhiều cơ quan chủ quản báo chí còn buông lỏng quản lý; Thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh; Đầu tư cho cơ quan báo chí trực thuộc. Một số cơ quan báo chí có tỉ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; Tính định hướng, dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp còn chậm, thiếu nhạy bén; Vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, định hướng, nhân văn. Tình trạng "báo hóa" tạp chí, các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để…
Những hạn chế, thiếu sót trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như vấn đề kinh tế báo chí ngày càng khó khăn; Cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới; Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí còn hạn chế về năng lực…
Năm 2023, ông Trần Thanh Lâm cho biết các cơ quan chức năng xác định cần đẩy mạnh thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; 3 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan chủ quản báo chí và 5 nhóm nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí.
Theo đó, với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, sự phối hợp nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý báo chí; Nghiên cứu sửa đổi một số quy định trong quản lý báo chí; Ban hành quy định trách nhiệm, quyền hạn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí thay thế quy định cũ; Đẩy mạnh thanh tra, giải quyết căn bản các vấn đề nóng, nhất là những hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích; Xử lý dứt điểm tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, rà soát biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí…
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, yêu cầu cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản báo chí; Đảm bảo điều kiện để các cơ quan báo chí hoạt động, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí; Phối hợp trong rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.
Còn đối với cơ quan báo chí, cần tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghề nghiệp; Đặc biệt, cần nhận thức rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, bám sát tôn chỉ, mục đích.
Với cơ quan tạp chí, tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, đảm bảo tỉ lệ, hàm lượng nội dung mang tính học thuật, tin lý luận, phân tích, kiến giải chuyên sâu, chuyên ngành bám sát tôn chỉ, mục đích…
Giá trị cốt lõi của báo chí: Nhân văn, chính xác, khách quan
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định 1256 ngày 9/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Nguyễn) |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của xã hội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao nhiều cơ quan báo chí đã có các chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc; Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nêu thực trạng mỗi ngày trên báo chí điện tử vẫn còn những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên báo chí, thậm chí của cả một số tòa soạn báo và tạp chí. Vẫn còn nhiều bản tin, bài báo thiếu tính nhân văn, quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view, quên đi giá trị cốt lõi của báo chí.
Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.
Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến - do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả.
Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người.
Khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh việc báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu. Tuy nhiên phản biện, phê phán nhằm xây dựng; phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối; Đề nghị các cơ quan truyền thông hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội.
“Truyền thông về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến là một sứ mệnh lớn lao của báo chí… Gắn gương người tốt, việc tốt với sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ; doanh nghiệp, doanh nhân thực sự điển hình, có nhiều đóng góp cho xã hội, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội. |
Chuyển đổi số báo chí là con đường tất yếu
Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và các đại biểu đã đánh giá các cơ quan báo chí không chuyển đổi số để có cách làm báo hiện đại sẽ bị tụt hậu, đào thải.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại hội nghị |
Chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Các cơ quan báo chí sẽ tụt hậu, bị đào thải nếu không quyết tâm thay đổi sang phương thức làm báo hiện đại.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chiến lược chuyển đổi số báo chí nhưng làm thế nào để thành công thì không dễ dàng. Điểm sáng là nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông để tăng khả năng tiếp cận cho người dân.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ quan báo chí chưa theo kịp yêu cầu. Việc tìm kiếm đối tác công nghệ, nguồn vốn đầu tư, nhân lực có trình độ công nghệ để chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Trình độ chuyên môn và kỹ năng tác nghiệp của không ít người làm báo chưa theo kịp ứng dụng công nghệ.
Vấn đề áp dụng công nghệ trong báo chí cũng được Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu tại hội nghị. Bởi một cơ quan truyền thông có nội dung tốt nhưng không quan tâm công nghệ sẽ lạc hậu, dần mất độc giả. Năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam dự kiến tổ chức hội nghị quy mô, trong đó tính đến xây dựng đơn vị nghiên cứu chủ đề chuyển đổi số.
Ngoài những nội dung chuyển đổi số, tăng nguồn nhân sự làm báo, vấn đề đẩy mạnh quản lý, quy hoạch báo chí để hạn chế các sai phạm cũng được đại biểu quan tâm.
Việt Nam hiện có 127 báo và 670 tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình. Đến tháng 9/2022, doanh thu của các báo, tạp chí từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ đồng, còn ngân sách nhà nước cấp 4.800 tỷ đồng. Với đài phát thanh, truyền hình, tính đến 11/2022, tổng kinh phí hoạt động là 15.092 tỷ đồng, trong đó nhà nước cấp 4.911 tỷ đồng, còn lại doanh thu dịch vụ. Nhân sự trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. |
Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 (Ảnh: VGP) |
Các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 được tặng bằng khen (Ảnh: VGP) |
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, 32 tập thể đã được xét chọn tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.