Bài toán giữ chân nhân lực được đào tạo đúng ngành

Trong khi học phí đang ngày càng “leo thang” thì mức lương sau tốt nghiệp của nhiều sinh viên vẫn đang “dậm chân tại chỗ” ở bậc thấp. Thậm chí, nhiều sinh viên còn không tìm được công việc theo đúng chuyên ngành và có ý định chuyển hướng.
Muốn có việc làm ngay khi ra trường: Thí sinh nên “đi tắt đón đầu” trong lựa chọn ngành học Giới và phát triển - ngành học tiềm năng trên thế giới đã được giảng dạy tại Việt Nam Ba ngành học của Việt Nam lọt danh top 500 thế giới

Cầm “tờ A4” nhưng chưa ấm no

Nếu như chỉ sau 4 năm, hầu hết sinh viên có thể tốt nghiệp ra trường, tìm kiếm việc làm luôn thì với sinh viên trường Y, thời gian 6 năm học rồi tốt nghiệp ra trường, đó mới chỉ được tạm gọi là “xóa mù”.

Theo quy định, sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, các sinh viên này vẫn phải thực hành liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Có thể thấy, để có thể trở thành một bác sĩ thực thụ cần rất nhiều thời gian, sức lực và sự cố gắng. Chưa kể, học phí đào tạo ngành y luôn nằm trong top cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Để theo đuổi ước mơ khoác chiếc áo blouse lên mình, mỗi sinh viên phải chịu áp lực từ rất nhiều phía. Thế nhưng, nếu được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp công lập thì mức lương và phụ cấp của bác sĩ ở mức hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu trừ tiền bảo hiểm thì con số chỉ dừng lại ở mức hơn 2 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống.

Sinh viên Y có thời gian đào tạo khá dài, mức học phí ở top cao nhưng khi ra trường, mức lương chưa đảm bảo đời sống
Sinh viên Y có thời gian đào tạo khá dài, mức học phí ở top cao nhưng khi ra trường, mức lương chưa đảm bảo đời sống

Sau khi tốt nghiệp, cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội, Đào Duy Tùng xin về công tác tại một bệnh viện tuyến huyện của Thành phố. “Cho đến hiện tại, sau khi trừ tiền bảo hiểm, số tiền lương và trợ cấp mình nhận về chỉ được hơn 6 triệu. Mọi người thử nghĩ xem, bây giờ là năm 2022 rồi, chi tiêu như nào với khoản tiền như vậy trong thời kỳ bão giá như bây giờ.”, cậu bác sĩ trẻ chia sẻ.

Thực tế này khiến nhiều sinh viên ngành y băn khoăn khi mức lương cùng các chế độ đãi ngộ không xứng đáng với thời gian, công sức mà họ đã bỏ ra trong suốt nhiều năm đèn sách.

Cho biết quan điểm của mình, Thanh Tùng thẳng thắn chia sẻ: “Đứng từ góc độ người trong cuộc, mình thấy băn khoăn này là hoàn toàn có cơ sở. Năm học này, theo mình biết thì học phí Đại học Y Hà Nội tăng cao nhất đến 70%, rồi thêm tiền sinh hoạt phí nữa. Như vậy, tính sơ qua, mỗi gia đình tốn từ 500 đến 700 triệu cho 6 năm ăn, học của các con. Để rồi khi ra trường, đi làm với mức lương 4-5 triệu bạc thì có xứng đáng hay không?”.

Chưa ra trường nhưng Ngô Phương Anh, sinh viên năm 4, trường Đại học Thương mại cũng đang “rục rịch” tìm cho mình công việc sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, cô sinh viên sinh năm 2001 đang thử việc cho một cho một công ty xây dựng với vị trí kế toán.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Phương Anh tâm sự: “Năm nay, một tín chỉ của khóa mình là hơn 520.000 nghìn/tín chỉ, tăng gần 10% so với năm học trước. Trong khi đó, mình có hỏi qua ở nơi mình đang thực tập thì lương kế toán mới ra trường dao động từ 3 triệu đến 5 triệu, phụ thuộc vào hợp đồng nữa. Điều này khiến mình suy nghĩ khá nhiều. Bố mẹ bỏ ra một khoản lớn đã mình học mà khi ra trường, mình thiết nghĩ mức lương đó khó có thể giúp mình ổn định cuộc sống.”.

“Bẻ lái”, kiếm “bến bờ” ổn định

Hướng đi của Đặng Thị Thảo, cựu sinh viên ngành Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một ví dụ điển hình trong xu hướng lựa chọn ngành nghề sau tốt nghiệp của các sinh viên báo chí.

“Cá nhân mình thấy, mức học phí của Học viện là không cao. Sau khi học, để có thêm kinh nghiệm thì mình có cộng tác với một số cơ quan báo chí. Việc cộng tác chủ yếu để tích lũy kinh nghiệm còn thu nhập thì không được cao và ổn định. Tuy nhiên, mình phải mua thêm nhiều thiết bị phục vụ công việc như máy ảnh, máy quay phim.... Xác định sẽ theo nghề lâu dài nên mình đều mua loại tốt, vì vậy, xét về chi phí thì thực sự rất tốn kém so với thu nhập của mình.”, Thảo cho hay.

Chia sẻ lý do mình quyết định chuyển hướng, Thảo cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, mình có dành thời gian theo đuổi công việc đúng chuyên ngành nhưng trên thực tế, với sinh viên mới ra trường còn ít kinh nghiệm thì việc có được nguồn thu nhập ổn định thực sự rất khó khăn. Trước áp lực công việc, áp lực cuộc sống, mình quyết định chuyển sang ngành truyền thông với mức lương cao so với mức lương mình làm đúng chuyên ngành.”.

Đức Mạnh (đeo kính, ngoài cùng bên phải) cảm thấy hứng thú với công việc hiện tại, khi vừa được làm đúng với đam mê, vừa ổn định được cuộc sống
Đức Mạnh (đeo kính, ngoài cùng bên phải) cảm thấy hứng thú với công việc hiện tại, khi vừa được làm đúng với đam mê, vừa ổn định được cuộc sống

Từng có thời điểm không xác định được mục tiêu của bản thân sau khi tốt nghiệp, Đỗ Đức Mạnh, cựu sinh viên Học viện Ngân hàng đã quyết định chuyển qua một công việc không liên quan đến ngành Quản trị kinh doanh mà cậu bạn này theo học 4 năm.

“Thời gian sau khi ra trường, mình có đi làm tại một doanh nghiệp với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lúc đó, lương không đủ tiêu, cộng thêm tâm lý chán nản vì nhận ra đây không phải đam mê thực sự cũng như mục tiêu nghề nghiệp mình hướng tới. Vì vậy mà sức khỏe sa sút và gầy rộc. Khi đó mình quyết định đăng ký một khóa gym để cải thiện sức khỏe. Và công việc huấn luyện viên thể hình đến với mình như một cơ duyên vậy.”, Đức Mạnh kể lại.

Trước thực trạng này, Nhà giáo Nhân dân, GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, nhận định, có 4 nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên ra trường làm trái nghề. Đó là do sinh viên không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi học; Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc; Chất lượng đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội và đặc biệt sinh viên ra làm đúng nghề, nhất là trong các cơ quan nhà nước thì có thu nhập rất thấp so với làm các nghề khác.

Đi sâu vào về vấn đề sinh viên làm trái ngành, trái nghề, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Chứ cho hay: “Một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do công tác dự báo nhân lực và quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo của chúng ta hiện nay chưa tốt. Phần lớn người làm trái ngành là do không tìm được ngành phù hợp. Vì vậy họ phải đi làm công việc khác.

Để đầu tư cho đại học luôn lãi

Theo GS.TS.Nguyễn Văn Chứ, để có thể chọn ngành nghề phù hợp, các bạn trẻ cần thấu hiểu năng lực của bản thân; sau đó tìm hiểu kỹ lưỡng các ngành nghề. Việc định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các bạn trẻ được làm công việc phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, từ đó đảm bảo chất lượng cuộc sống cả về khía cạnh vật chất và tinh thần. Quyết định nghề nghiệp sai sẽ khiến bạn trẻ cảm thấy chán nản, bất lực, bế tắc và mất niềm tin vào chính mình.

“Định hướng nghề nghiệp đúng sẽ làm giảm nguy cơ bỏ nghề, làm trái nghề, làm nhiều nghề khác nhau, thậm chí là thất nghiệp.”, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp nhắn gửi đến các bạn trẻ.

Tấm bằng Đại học rất giá trị, nhưng giá trị hơn khi tấm bằng đó được phát huy và làm bệ phóng cho các sinh viên có một công việc ổn định
Tấm bằng Đại học rất giá trị, nhưng giá trị hơn khi tấm bằng đó được phát huy và làm bệ phóng cho các sinh viên có một công việc ổn định

Có thể, nhiều người vẫn cho rằng Đại học là con đường ngắn nhất để dẫn tới thành công, nhưng con đường tới thành công chưa khi nào trải hoa hồng. Ở đó, rất nhiều gập ghềnh, sỏi đá cần vượt qua.

Trước tình trạng học phí ngày càng tăng cao, các phụ huynh cần cân nhắc kỹ bài toán kinh tế khi con em bước vào cánh cổng Đại học. Cần xem xét năng lực, trình độ để chọn một môi trường phù hợp.

Học ở đâu không quan trọng bằng việc sớm được thực hành, trải nghiệm thực tế. Qua đó, các bạn trẻ có cơ hội cọ xát, tiếp nhận kinh nghiệm và mở rộng cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với mức thu nhập như ý.

Mai Khôi
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động