Bãi bồi sông Hồng bị xới tung nhằm... ngăn dịch bệnh Covid-19?

Khu đất rộng hàng trăm hecta dưới gầm cầu Vĩnh Tuy thuộc phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) bỗng xuất hiện những đường hào sâu hoắm chạy dài hàng km khiến tăng nguy cơ xói mòn, sạt lở, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ đê điều.
Hà Nội: 305 công trình vi phạm trong 9 tháng đầu năm 2020 Xử lý triệt để vấn đề môi trường sau vụ cháy cảng Đức Giang Hà Nội: Cháy lớn tại một kho xưởng trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên Một số quận, huyện của TP Hà Nội chưa giải quyết được khiếu nại, tố cáo của người dân

Hơn một tháng qua, từ khi cấm người dân ra bãi cỏ ven sông Hồng dưới chân cầu Vĩnh Tuy vui chơi vì dịch Covid-19, tại khu đất rộng hơn 300 nghìn m2 này xuất hiện máy xúc đào khoét rầm rộ làm phá vỡ cảnh quan.

Có mặt tại địa điểm trên, những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là nhiều khối lượng đất phù sa bồi đắp lâu năm tại đây đã bị máy xúc xới tung, nhiều nơi đất đá ngổn ngang dồn thành đống lớn.

Video ghi nhận thực tế của phóng viên.

Theo người dân phản ánh, mặc dù đã thông tin đến chính quyền về sự việc, thế nhưng không thấy xử lý.

Dẫn chúng tôi đi thực địa, ông V. một người dân sinh sống ở gần đó chỉ cho chúng tôi thấy những đường hào ngang, hào dọc, hào dưới chân cầu Vĩnh Tuy và ngay giữa khu đất được đào mới. Có những con hào cũ được đào từ trước đó thì đang được khoét sâu hơn, rộng hơn. Đáng chú ý, còn có đường hào sâu hoắm chạy thẳng vào một trụ cầu Vĩnh Tuy. Quan sát chúng tôi thấy nếu vào mùa mưa lũ dễ gây ra xói mòn, sạt lở, thậm chí ảnh hưởng đến trụ cầu. Có những đoạn do đào quá sâu chưa cần mưa đã sạt lở…

Dọc dưới chân cầu Vĩnh Tuy, ngoài khu vực công nhân đang thi công cầu mới thì có một đường hào chạy song song ngay dưới chân cầu, đất đá dồn thành đống cao ở một bên phía bãi cỏ. Theo người dân phản ánh, việc đào con hào này là do một cá nhân khác đào không rõ nhằm mục đích gì và không liên quan đến việc xây cầu.

Long Biên - Hà Nội: Bãi bồi sông Hồng bị xới tung nhằm... “ngăn Covid-19”?
Đường hào rộng, sâu khoảng 3 mét chạy thẳng vào trụ cầu Vĩnh Tuy.

Ở giữa khu đất ven sông Hồng này còn xuất hiện một đường hào dọc khu đất chạy thẳng ra bãi sông. Đường hào này cũng vừa được đào mới, đất đá vẫn còn chất đống hai bên và nước đã chảy thông với sông Hồng.

Liên quan đến đào xới đất mà dư luận phản ánh, theo Chủ tịch UBND phường Long Biên lý giải, đây là bãi bồi ven sông, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí mát mẻ nên thu hút người dân ở các khu đô thị tới tụ tập vui chơi, ăn uống. Vào ngày cao điểm cuối tuần có hàng nghìn người với hàng trăm phương tiện giao thông ra vào, làm mất trật tự và ngoài tầm kiểm soát của phường.

Chủ tịch phường Long Biên cũng cho rằng đây là các giải pháp găn chặn việc tụ tập đông người để phòng, chống dịch COVID-19 như lấp đất chặn hai lối đi lại, tạo các rãnh, hố để ngăn không cho xe cộ đi ra bãi bồi tụ tập.

Long Biên - Hà Nội: Bãi bồi sông Hồng bị xới tung nhằm... “ngăn Covid-19”?
Khu bãi bồi gần chân cầu Vĩnh Tuy đang ngày đêm bị đào bới nham nhở.

Khi phóng viên thắc mắc về các đường hào lớn phía chân cầu và vùng đất bị đào sâu giống như hồ nhân tạo thì vị Chủ tịch phường Long Biên nói không có chuyện đào hồ và sẽ cho kiểm tra lại rồi có phản hồi tới phóng viên.

Bà N, một người dân ở khu bãi sông Hồng cho biết, việc phường lý giải như vậy là không thuyết phục, bởi nếu ngăn phương tiện giao thông và những người vi phạm thì phường đã cho đào một con hào chắn ngang lối vào ở khu bãi rác, phía trong thì các cổng khóa chặt, còn đào đất ở hai bên. Ngoài ra các lối vào khác cũng đã khóa chặt, nếu ai muốn vào khu bãi sông Hồng phải đi qua một cổng Khu sinh thái Vườn nhãn Long Biên đã có người canh gác.

Như vậy, những con hào ở phía trong khu đất là thừa, không cần thiết. Bà N cho biết việc đào những con hào này nhằm mục đích khác, ngoài ra phía trong khu đất này máy móc đã đào khoét hình thành hồ nước chỉ chờ thông hào cho nước vào.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng phường Long Biên lực lượng quá mỏng hay yếu kém trong công tác quản lý nên mới “sáng tạo” ra cách đào hào để ngăn chặn người vi phạm. Thậm chí trước đó còn ký hợp đồng với một cá nhân ở địa phương khác tới “quản lý giúp” khu đất ven sông Hồng này!?

Mùa mưa lũ cận kề, trước thực trạng những con hào sâu, những nơi đào khoét như hồ chứa nước ở ven sông Hồng đang là nỗi lo xói mòn, sạt lở cản trở thoát lũ, thậm chí có dấu hiệu vi phạm công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ.

Điều 14 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nêu rõ: Bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không làm suy giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, gây sạt lở bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; không làm suy giảm mực nước sông trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng nước trên sông; Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước…
Quang Nhật - Đức Mậu
Phiên bản di động