Bài 3: Ngôn ngữ mới của sơn mài - Gợi ý "thức tỉnh" làng nghề
Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn |
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Thẩm Văn Sỹ - Giám đốc điều hành Hanoia, cũng là người trực tiếp xây dựng Hanoia từ ngày đầu thành lập.
Ông Thẩm Văn Sỹ |
- Thưa ông, cơ duyên nào dẫn Hanoia tới với nghệ thuật sơn mài truyền thống?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Chúng tôi tiếp cận với sơn mài Việt lần đầu tiên vào năm 1997, tại một ngôi làng ở gần Bình Dương (Tp. Hồ Chí Minh). Ngưỡng mộ giá trị văn hóa mang tính di sản của nghề truyền thống này, chúng tôi đã thành lập ở đây một xưởng sơn mài nhỏ, gồm một nhóm các nhà thiết kế nước ngoài và các nghệ nhân sơn mài sinh ra và lớn lên tại ngôi làng đó, để tìm hướng phát triển cho nghề sơn mài đang có nguy cơ bị mai một này.
Công việc khởi đầu chỉ là thiết kế những đôi guốc sơn mài sành điệu cho các tín đồ thời trang, rồi sau đó chuyển sang chế tác phụ kiện thời trang cao cấp cho các nhà mốt có uy tín ở châu Âu. Mãi đến năm 2013, sau khi chế tác thành công bộ sưu tập trang trí nội thất theo thiết kế đặt hàng nước ngoài, chúng tôi mới mở xưởng sơn mài thứ hai tại làng Hạ Thái, gần Hà Nội. Và đến cuối năm 2015, khi sẵn có trong tay bí kíp làm sơn mài truyền thống và nắm bắt được xu hướng thời trang đương đại, chúng tôi quyết định thiết kế và chế tác các dòng sơn mài riêng của mình, lấy tên là Hanoia.
Như vậy, thương hiệu Hanoia được khai sinh vào năm 2015.
Có thể nói, cơ duyên dẫn chúng tôi tới nghề sơn mài truyền thống là tình yêu, là niềm đam mê với những giá trị văn hóa có nguy cơ bị thất truyền. Đến nay, chúng tôi vẫn làm sơn mài bằng tình yêu mà ông cha để lại.
- Vậy khác biệt mà Hanoia mang đến là gì khi mà thời đại hoàng kim của của sơn mài đã qua?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Hanoia được ra đời với mục tiêu làm sống lại giá trị thủ công truyền thống trong cuộc sống đương đại, đưa sơn mài Việt tới gần hơn với cuộc sống hiện đại ngày nay. Điều đó có nghĩa là, bước chuyển mình của Hanoia hướng đến thế hệ trẻ hiện nay không phải là một quyết định đổi sang một ngã rẽ mới, mà nó nằm trong lộ trình phát triển của thương hiệu từ những ngày đầu tiên thành lập.
Chúng tôi đi từ đổi mới thiết kế, nâng tầm chất lượng đến đa dạng hóa công năng sử dụng để mở rộng đối tượng khách hàng và thế hệ trẻ là nhóm khách hàng chúng tôi rất quan tâm.
- Đối tượng mục tiêu của Hanoia là giới trẻ, vậy ông có thể cho biết chiến lược sản phẩm và thị trường để thu hút đối tượng này?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Ngay từ khi mới ra đời (năm 2015), Hanoia luôn phát triển song song dòng trang sức sơn mài bên cạnh dòng sản phẩm trang trí nội thất. Trước đó, chúng tôi cũng từng chế tác phụ kiện sơn mài theo đơn đặt hàng của các nhà mốt uy tín châu Âu và hiểu được phần nào xu hướng thời trang trên thế giới. Chúng tôi tin rằng trang sức sơn mài sẽ được người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nồng nhiệt đón nhận.
Với thị trường trong nước bao gồm cả khách du lịch nội địa và quốc tế, Hanoia xây dựng hệ thống cửa hàng đặt tại các không gian mang sắc màu di sản như Hanoia House, 38 Hàng Đào (Hà Nội), Hanoia Đông Du, 15 Đông Du, Quận 1 (Tp. Hồ Chí Minh), các không gian sang trọng, đẳng cấp như Hanoia Metropole, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi… hay tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Bên cạnh các chương trình bán hàng, quảng cáo sản phẩm, tiếp cận với khách hàng mục tiêu, Hanoia cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa với đề tài nghề thủ công truyền thống như các buổi nói chuyện của các chuyên gia, các cuộc triển lãm, các lớp học sơn mài… để khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đối với những giá trị văn hóa trân quý mà ông cha để lại trong mỗi người Việt. Dù với quy mô nhỏ, những hoạt động này cũng thu hút nhiều người trẻ tham gia.
- Hiện những sản phẩm sơn mài nào được yêu thích nhất ở Hanoia?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Những sản phẩm sơn mài được yêu thích nhất của chúng tôi đến nay bao gồm các sản phẩm trang trí nội thất như hộp trà, bình hoa, khay hoa quả, hộp đựng mứt Tết, bình phong, bộ điêu khắc các con giáp… và các sản phẩm nội thất sơn mài như bàn trang trí, đèn trang trí, xô-pha, bàn tiếp khách, bàn ăn,…
- Cách thức hoạt động của Hanoia khác biệt gì so với các xưởng sơn mài, các doanh nghiệp ở làng nghề truyền thống hay không?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Chúng tôi tin rằng mỗi doanh nghiệp đều có một cách tổ chức quản lý phù hợp với quy mô và đặc thù của mình. Chúng tôi chỉ xin chia sẻ tại Hanoia có bộ phận thiết kế, bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xưởng chế tác và bộ phận quảng cáo, tiếp thị. Các bộ phận luôn hoạt động gắn kết với nhau để tối ưu hóa hiệu quả cuối cùng.
- Covid-19 đã khiến nhiều xưởng sơn mài phải đóng cửa, nhiều người đã bỏ nghề. Hanoia đã làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Covid-19 là cơ hội để chúng tôi thúc đẩy nền tảng kinh doanh kỹ thuật số, hoàn thiện trang giới thiệu sản phẩm trên website và thực hiện các chiến dịch tiếp cận sản phẩm mới trong đó phải kể đến chiến dịch ME:UNTAGGED hướng tới giới trẻ.
Không chỉ trong mùa Covid-19 mà ở bất kỳ thời điểm nào, cuộc chạy đua của nền kinh tế thị trường khiến bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải nỗ lực hết mình để tồn tại và phát triển. Hanoia không nằm ngoài cuộc đua ấy. Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm khôi phục đến cùng tinh hoa thủ công Việt, chúng tôi sẽ tìm ra nhiều con đường, nhiều cách thức để thực hiện mục tiêu và mong muốn của mình. Việc phát triển những dòng sản phẩm trẻ trung hơn, hiện đại hơn, đa dạng công năng sử dụng hơn để phù hợp hơn với giới trẻ cũng được coi là một trong những cách thức đó.
Hanoia đang ở giai đoạn đầu hướng đến thị trường dành cho người trẻ. Ý tưởng thì có rất nhiều và chúng tôi đang nỗ lực hết mình để đưa ra những thiết kế mới, những chất liệu và hiệu ứng mới, đồng thời không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo hướng tiếp cận ngày càng gần hơn với giới trẻ để biến các ý tưởng trở thành hiện thực.
- Hanoia gắn kết với làng nghề sơn mài như thế nào? Trong bối cảnh các làng nghề sơn mài đuối sức trước sự cạnh tranh của kinh tế thị trường, Hanoia có nghĩ đến việc chuyển giao công nghệ cho các làng nghề?
- Ông Thẩm Văn Sỹ: Hiện nay, Hanoia có hai xưởng sơn mài đặt tại hai làng nghề truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam là Tương Bình Hiệp (Bình Dương) và Hạ Thái (Hà Nội), sử dụng hơn 300 thợ thủ công lành nghề, những người sinh ra và lớn lên ở chính hai ngôi làng này. Tại các xưởng sơn mài này, mỗi người thợ thủ công đều phải tuân thủ các tiêu chí chất lượng ngặt nghèo của thị trường châu u. Họ học được phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật cao cũng như nhiều kỹ thuật sơn mài mới và chúng tôi luôn tự hào vì những nỗ lực, những thành tựu mỗi ngày của họ.
Như đã nói ở trên, chúng tôi là một thương hiệu trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện chính mình nên chưa đạt tới quy mô chuyển giao công nghệ cho các làng nghề. Chúng tôi còn phải học hỏi rất nhiều, nỗ lực rất nhiều nữa để đạt tới quy mô, trình độ và tầm ảnh hưởng như vậy.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn mong muốn được hợp tác với các làng nghề, các trường học, các tổ chức trong và ngoài nước để tìm ra cơ hội cùng nhau thúc đẩy sự đi lên của các ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam nói chung và sơn mài nói riêng.
- Xin cảm ơn ông!
Tìm hiểu thêm về sản phẩm của Hanoia tại website: https://hanoia.com/ |