NHỮNG CỰU BINH VĨ ĐẠI BIẾN VẾT THƯƠNG CỦA MÌNH TRỞ THÀNH BÀI HỌC CHO THẾ HỆ TRẺ

Bài 3: Khúc tráng ca vang mãi!

Nhiều năm qua, những người cựu tù Phú Quốc miệt cất khúc tráng ca về một thời máu lửa tại trường đại học, truyền cảm hứng trong các buổi sinh hoạt Đoàn, biểu diễn ở Tràng Tiền trước đông đảo du khách. Họ dần dần trở thành hình ảnh quen thuộc, động viên và khích lệ thế hệ trẻ. Đây là nỗ lực to lớn, vượt lên nỗi đau chiến tranh để mang tới sức mạnh tinh thần của các chiến binh từng đi qua “địa ngục trần gian”

Bài 2: Mổ bụng bày tỏ lòng son Bài 1: “Hãy nhìn đi, đây là thân thể bị tàn phá của chúng tôi...”

Cấp cứu kịp thời ca bệnh đa chấn thương nặng

Biến vết thương thành lời ca

Thực hiện Hiệp định Paris, hơn 40 năm về trước (tháng 3/1973) đã diễn ra cuộc trao trả tù binh - tù chính trị yêu nước về với cách mạng trong tư thế người chiến thắng, đầy cảm xúc... Cả nước mong chờ hàng vạn người con trung kiên của đất nước bị Mỹ Ngụy bắt bớ, đày đọa được trở về với cách mạng, với nhân dân vùng giải phóng.

Ở nhà lao Phú Quốc, ông Lâm Văn Bảng, ông Kiều Văn Uỵch, ông Phùng Xuân Nghị, cũng như những cựu binh khác, sau mấy năm trải qua “địa ngục trần gian”, bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, được xếp vào hạng “nan y tàn phế”, trở về trong cuộc trao trả bên sông Thạch Hãn.

Ngày về trên sông Thạch Hãn (Ảnh chụp lại)
Ngày về trên sông Thạch Hãn (Ảnh chụp lại)

Các cựu tù Phú Quốc được đưa về trại điều dưỡng ở miền Bắc. Về sau, người tiếp tục theo quân ngũ, người tiếp tục đi vào chiến trường B góp phần vào ngày toàn thắng 30/4/1975. Các ông Kiều Văn Uỵch, ông Phùng Xuân Nghị, cùng một số đồng đội khác thì lập gia đình, sống một cuộc đời bình dị như bao người dân khác.

"Lưu giữ và truyền lại không phải để ghi thêm thù hận với ai mà để mọi người hiểu được giá trị không thể lượng định của của cuộc sống bình thường của chúng ta hôm nay, và nhất là đừng bao giờ vô ơn với những người đã hi sinh vì đất nước này”.

Đối với các cựu tù Phú Quốc trở về, dù chiến tranh trên quê hương đã lùi xa, bệnh hoạn thương tật rồi cũng sẽ lắng xuống. Nhưng lịch sử không cho phép họ quên quá khứ. Những ngày gian khổ ở “địa ngục trần gian”, là ký ức không thể nào quên, là quá khứ của gan góc, dạn dày, đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, quá khứ của lòng chung thủy và trong sáng… Đồng thời, họ cũng muốn truyền một tia nhiệt huyết từ những năm tháng đấu tranh đến với thế hệ trẻ của đất nước.

Đó chính là căn nguyên sâu sa nhất của việc hình thành Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Những người làm việc tại bảo tàng chứng tích chiến tranh đều là cựu chiến binh, ví như Giám đốc Lâm Văn Bảng, Phó giám đốc Nguyễn Trọng Dư, Kiều Văn Uỵch, thuyết minh viên Nguyễn Đình Quốc, hậu cần Nguyễn Tiến Mô.

Khẩu hiệu thể hiện ý chí của các cựu tù Phú Quốc bên ngoài bảo tàng chứng tích chiến tranh
Khẩu hiệu thể hiện ý chí của các cựu tù Phú Quốc bên ngoài bảo tàng chứng tích chiến tranh

Trao đổi với PV, Ông Bảng cười nói: Tiếng là chia ban bệ cho oách, chứ toàn anh em đồng đội cũ tự nguyện về đây, công việc làm từ A đến Z, theo phương châm bốn tự: Tự nguyện, tự túc, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm. Vừa giới thiệu hiện vật, các ông còn là nhân chứng sống để kể cho khách những câu chuyện, những kỷ niệm trong địa ngục trần gian Phú Quốc.

Bản thân ông Bảng cũng là “hiện vật” sống động về những ngày tháng tù đày tại Phú Quốc. Hai mươi tuổi, chàng trai Lâm Văn Bảng hăm hở viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Bảng hứng gần 20 viên đạn vào thân thể, chân tay dập nát, đồng đội tưởng ông đã chết nên đem xác giấu vào hố bom. Ông Bảng rơi vào tay địch, nếm đủ mùi tra tấn tại 3 trại giam Chí Hòa, Hố Nai, Phú Quốc. Vì thế, đối với ông Bảng, các kỷ vật tại bảo tàng không chỉ có giá trị về mặt hiện vật, nó còn là linh hồn, là phần thiêng liêng của những anh em chiến sỹ năm xưa. Và ông muốn góp phần lữu giữ những linh hồn đó.

Cháy mãi lửa truyền thống

Ở một góc của bảo tàng chứng tích chiến tranh, cành ổi khẳng khiu được chăm chút, vun trồng. Ông Lâm Văn Bảng bùi ngùi: “Cành này chiết từ cây ổi mọc trên trên phần đất trước kia là hố chôn tập thể giữa đảo Phú Quốc. Nó vươn lên từ mảnh đất thấm máu xương của đồng đội chúng tôi. Trong thân, cành, lá của của nó là linh hồn của biết bao liệt sỹ”.

Đồng chí Trương Tấn Sang về thăm bảo tàng (Ảnh chụp lại)
Đồng chí Trương Tấn Sang về thăm bảo tàng (Ảnh chụp lại)

Đối với những người cựu tù Phú Quốc tại bảo tàng, sự tồn tại của cây ổi nhỏ bé lại mang ý nghĩa biểu tượng lớn lao. Họ thấy ở cây ổi một dấu gạch nối từ quá khứ đến hiện tại, từ nhà tù tăm tối đến ngày hòa bình huy hoàng; đồng thời, cũng thôi thúc họ tiếp nối truyền thống yêu nước và mang ngọn lửa ấy đến với những con người của ngày nay.

Những năm qua, ông Lâm Văn Bảng, ông Kiều Văn Uỵch, ông Phùng Xuân Nghị ... đã tận hiến vì điều đó. Họ xuất hiện tại các cuộc mít tinh quy mô, hay trên bục giảng của các trường học, hoặc có mặt ngay ở phố đi bộ Tràng Tiền để biểu diễn và kể câu chuyện thực của cuộc đời chiến sỹ trong lao ngục.

Về phía ngược lại, ngày càng nhiều người biết đến bảo tàng chứng tích chiến trang. Đến nay, bảo tàng đã đón hàng vạn khách tới tham quan, trở thành địa chỉ ngoại khóa của nhiều trường học. Đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Trương Mỹ Hoa, đồng chí Ngô Thanh Hằng ... cũng đã về thăm.

Sau khi chứng kiến các hiện vật và gặp gỡ nhân chứng tại bảo tàng, Giáo sư David Stic, giảng viên Đại học California (Mỹ) đã viết: “Tôi thấy sự khốc liệt, ác liệt và thực sự bất ngờ thấy bảo tàng có những hiện vật đậm nét lịch sử chiến tranh. Tôi nghĩ rằng bảo tàng rất cần thiết cho mọi người, nhất là sinh viên để hiểu viết về lịch sử của những người bị bắt, bị tù đày”.

Những chứng nhân lịch sử đem bài học về truyền thống Cách Mạng đến với thế hệ trẻ
Những chứng nhân lịch sử đem bài học về truyền thống Cách Mạng đến với thế hệ trẻ

Trong một lần Bảo tàng tổ chức triển lãm tại trường Đại học khoa học xã hội nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội, thầy Vũ Đức Nghiệu, cán bộ trường viết: “Đây là những bài học được viết bằng máu, bằng xương của những con người trung liệt, cần phải được lưu giữ để truyền cho con cháu hôm nay và muôn đời mai sau. Lưu giữ và truyền lại không phải để ghi thêm thù hận với ai mà để mọi người hiểu được giá trị không thể lượng định của của cuộc sống bình thường của chúng ta hôm nay, và nhất là đừng bao giờ vô ơn với những người đã hi sinh vì đất nước này”.

Chúng tôi xin mượn những lời tâm huyết này để tạm kết cho loạt bài về những người chiến sỹ vĩ đại lấy vết thương và quá khứ gian khổ để tô thắm truyền thống cách mạng, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ. Một bài báo khép lại với người đọc và người viết, song, công việc của những cựu tù Phú Quốc tại bảo tàng chứng tích chiến tranh thì không bao giờ ngừng nghỉ.

Vũ Cường
Phiên bản di động