Bác sĩ xót xa trước phút cuối của bệnh nhân bị chó cắn chữa thuốc Nam

Một bác sĩ đại học Y Dược Huế đã chia sẻ những câu chuyện đầy đau xót về những bệnh nhân bị chó cắn lại chọn chữa thuốc Nam để rồi nhận về bản án tử hình mang tên "bệnh dại".
Cả nước ghi nhận 46 người tử vong do bệnh dại Một bé trai 7 tuổi ở Gia Lai tử vong nghi do sốt xuất huyết Bị chó cắn, chỉ uống thuốc đông y, một phụ nữ tử vong vì bệnh dại

Theo lời bác sĩ Khánh Phương, bệnh nhân nam 36 tuổi ở Quảng Ngãi nhập viện trong tình trạng: sợ nước, sợ sáng, sợ gió, khó thở.

Bác sĩ xót xa trước phút cuối của bệnh nhân bị chó cắn chữa thuốc Nam
Ảnh minh họa

Theo thông tin khai thác từ bệnh nhân, đúng 1 tháng trước, anh bị chó nhà nuôi đã vài năm cắn nhiều vết rất sâu ở cổ tay trái. Những ngày trước đó nó vẫn bình thường, đến hôm cắn chủ thì nổi điên và chảy dãi. Giận quá, anh đập chết luôn con chó.

Mặc dù Quảng Ngãi đang ở khu vực có dịch dại nhưng bệnh nhân vẫn không đi tiêm vắc xin mà lại gặp 1 "gã lang" trong vùng vốn nổi tiếng theo đường truyền miệng về biệt tài chữa chó dại cắn, rồi cào, rồi uống "thuốc nam".

Đến ngày thứ 23, những cảm giác ngứa ngáy rồi tê rần quanh vết cắn dần khiến anh không chịu nổi. Tới lại ông lang để "đặt ngọc", các dị cảm vẫn không giảm. Các triệu chứng ngợp khi uống nước và khi gặp gió dần xuất hiện, những cơn khó thở tăng dần. Đến ngày thứ 30, anh được đưa ra bệnh viện đại học Y dược Huế.

Nhưng đã quá muộn. Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược Huế cũng bất lực khi bản án tử hình mang tên "bệnh dại" đã điểm tên anh.

"Anh bạn ơi, anh đã không cho chúng tôi cơ hội cứu anh được nữa rồi!", bác sĩ Phương viết.

Việc một sinh mệnh lặng lẽ rời xa vì sự thiếu hiểu biết khiến chị không khỏi xót xa kể lại:

"Các chị điều dưỡng khoa tôi cứ xuýt xoa trong ngậm ngùi tiếc nuối về anh chàng cao 1 mét 7, mày rậm, mắt to và chất phác ấy. Người như anh phải khỏe mạnh mà sống vui vẻ cùng vợ con chứ! Thế nhưng, sự kém hiểu biết đáng giận, mà cũng đáng thương sẽ khiến vợ mất chồng, con xa cha!...

Đêm nay tôi ám ảnh với ánh mắt ban ngày của anh, một ánh mắt hốt hoảng, long lanh, vằn đỏ của giai đoạn toàn phát bệnh dại, ánh mắt ấy còn cất chứa nỗi niềm tha thiết MUỐN ĐƯỢC SỐNG. "Em biết bệnh của em và chấp nhận rồi, nhưng bác sĩ ơi, cô có biện pháp nào cứu được em không? Em còn phải sống để nuôi 3 đứa con dại ở nhà!".

Đấy, trong nghề tôi ngoài ánh sáng ra thì nó còn những khoảnh khắc đau lòng thế đấy! Và khi biết mình sắp được đưa về, anh ấy vẫn hoàn toàn tỉnh táo, gác tay lên trán (các chị điều dưỡng bảo chắc là anh đang hối hận đấy), tỉnh táo để nhìn thấy cái chết đang đến với mình, anh đã nói với chúng tôi trong nụ cười méo xệch: "Em biết tình trạng của mình rồi, các cô cũng đừng băn khoăn nữa, em chúc các cô ở lại vui vẻ". Anh bạn ấy là một người như thế, một người tôi chỉ gặp trong có 4 tiếng đồng hồ, nhưng tôi nghĩ người như thế phải được sống chứ?"

Từ câu chuyện thực tế được chứng kiến trong ca trực của Thứ Sáu ngày 13, BS Khánh Phương muốn nhắn nhủ có ai đó đọc được, sẽ nhắc cho những người cần rằng: bị chó cắn là phải tiêm phòng dại, vậy là 1 sinh mạng đã lặng lẽ được cứu sống rồi!

Bác sĩ xót xa trước phút cuối của bệnh nhân bị chó cắn chữa thuốc Nam
Cơ chế phát triển bệnh dại ở người

Theo BS Khánh Phương, người dân cần nhớ 5 điều sau về bệnh dại:

- Dại là bệnh tử vong 100% khi đã phát bệnh.

- Bị chó cắn, mèo cào, kể cả liếm vết thương, phải rửa vết thương với nhiều xà phòng dưới vòi nước chảy, kèm theo bôi dung dịch sát khuẩn là cực kì cần thiết.

- Chưa có một biện pháp lưu truyền dân gian nào chữa được bệnh dại được công nhận. (Không cứu được người, thì xin đừng hại người!).

- Do đó, vaccin là biện pháp duy nhất không thể thay thế để dự phòng bệnh dại, cần tiêm càng sớm càng tốt. Một số trường hợp cần kết hợp huyết thanh chống dại (như trường hợp bệnh nhân này) nhưng phải trước khi bệnh dại đã phát.

- Vaccin dại hiện nay là virus bất hoạt, rất an toàn. Chỉ có một số tác dụng phụ ngắn hạn hiếm gặp và thường nhẹ nhàng.

Bệnh dại gieo rắc hơn 59.000 cái chết mỗi năm cho trẻ em và người lớn trên thế giới. Hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại vì phơi nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Loại virus đáng sợ này có mặt ở khắp nơi.

Bệnh nhân sau khi bị động vật nhiễm bệnh cắn thì sẽ không khởi phát bệnh ngay, các triệu chứng của bệnh dại sẽ mất vài tuần, vài tháng, thậm chí có người đến cả năm thì bệnh mới khởi phát. Đây được gọi là thời kỳ ủ bệnh…

Việc sáng chế ra virus phòng bệnh dại là một phát minh vĩ đại của nền y học thế giới, hàng triệu “bản án tử” treo trên đầu bệnh nhân đã được phá bỏ nhờ vắc xin phòng dại. Năm 2019 rồi đừng để chết vì những bệnh có thể phòng tránh được.

D.Minh
Phiên bản di động