Bác sĩ cảnh báo: Cẩn thận với thuốc chữa sốt rét chloroquine

"Chloroquine là thuốc độc, rất độc. Nên hãy cẩn thận với nó nếu bạn muốn phòng ngừa nhiễm coronavirus. Và luôn cần hướng dẫn của bác sĩ thuộc chuyên ngành đó".
Trung Quốc: Thuốc phòng sốt rét có hiệu quả trong điều trị covid-19

Ngay sau khi có thông tin về nghiên cứu dùng Chloroquine chữa bệnh Covid-19, một số người mua trữ thuốc chữa sốt rét chloroquine để chữa viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra. Trên mạng có những lời khuyên về uống thuốc này để ngừa lây nhiễm. Trong khi Chloroquine lại là thuốc điều trị có nhiều tác dụng phụ, người bệnh không được tự ý dùng.

Bởi vậy, bác sĩ Võ Xuân Sơn, phòng khám quốc tế ESPON đã có một bài chia sẻ dài về loại thuốc này trên facebook cá nhân, cảnh báo tới cộng đồng.

Dưới đây là chia sẻ đầy ám ảnh của bác sĩ về loại thuốc này:

"Còn nhớ hồi tôi sinh viên và khi mới ra trường, có mấy cái tên luôn ám ảnh tôi, đó là Nông trường Sông Ray, Huyện Tánh Linh, và huyện Đức Linh, Bình Thuận. Trong khi huyện Đức Linh, Bình Thuận thường xuyên có những ca chấn thương cột sống do té giếng, thì huyện Tánh Linh, và đặc biệt là Nông trường Sông Ray, lại thường xuyên có bệnh nhân sốt rét ác tính thể não.

Có lúc tôi nghĩ, không biết cái Nông trường Sông Ray này lớn bao nhiêu, nhưng chắc nó phải có nhiều công nhân lắm, vì có những giai đoạn, gần như ngày nào cũng có người chết vì sốt rét ác tính thể não. Ngày thì một người, ngày thì vài người, mà ngày nào cũng đổ về ùn ùn.

Hồi đó chưa có Artesunate và Chloroquine được coi là thuốc có tác dụng tốt nhất để chữa sốt rét. Thậm chí, tôi còn nghe nói một số bác sĩ đi vào vùng tâm dịch sốt rét còn được uống sẵn Chloroquine để phòng ngừa. Nhưng Cloroquine không phải là thuốc vô hại.

Đa số những bệnh nhân sốt rét nặng tôi gặp hồi đó đều có tán huyết, đái huyết sắc tố, rồi suy gan, suy thận, rồi tử vong. Sau khi ra trường, tôi theo chuyên khoa Ngoại Thần kinh, không tìm hiểu về chuyên ngành nhiễm, nên không rõ cơ chế lắm. Nhưng một công việc mà hồi tôi còn sinh viên thấy các anh chị bác sĩ trực hay làm, là xác định xem việc tán huyết này có phải là do chloroquine gây ra hay không.

Nói chung, trong đầu tôi luôn in đậm một ấn tượng với Chloroquine, là nó dễ gây ra tán huyết, suy gan, suy thận và tử vong. Tán huyết là trường hợp các tế bào máu bị vỡ ra, gây ra thiếu máu cấp. Đó là một trong các tình trạng nguy kịch đến tính mạng đặc biệt nghiêm trọng.

Lại nhớ hồi sinh viên ở nước ngoài. Có anh bạn người nước nào đó có bạn gái mang bầu, mà ở đó thì khó mà “kế hoạch”, nên họ tìm cách phá lậu. Chẳng biết ai chỉ mà anh bạn tôi tìm Chloroquine. Vì biết tôi là từ Việt Nam, nơi có nhiều bệnh sốt rét và tìm mua kí ninh (Quinine) khá dễ dàng, nên anh bạn hỏi tôi có kiếm được không.

Tất nhiên là tôi không thể kiếm được. Chừng 2 tuần sau anh bạn thông báo xong rồi. Không biết anh kiếm được kí ninh từ nguồn nào, nhưng anh ấy khen kí ninh quá trời. Còn tôi, kể từ sau vụ đó, tôi không dám uống nước tonic, một loại nước giải khát đóng chai có pha kí ninh, có vị đắng, rất được ưa chuộng, và mang tính thời thượng.

Đa phần thuốc đều là thuốc độc. Dù là thuốc tây, tàu, nam, bắc gì thì cũng vậy. Ở liều này nó cứu người, nhưng ở liều khác nó giết người. Dùng như thế này thì nó chữa bệnh, nhưng dùng như thế khác thì nó gây bệnh. Ngay cả khi nó chữa hết bệnh, nó cũng có thể để lại những di chứng mà suốt đời người bệnh phải gánh chịu. Chỉ có các bác sĩ được đào tạo sâu về chuyên ngành, có kinh nghiệm với việc sử dụng từng loại thuốc, mới có thể cho thuốc mà hạn chế bớt tác hại của nó gây ra.

Nói tóm lại, Chloroquine là thuốc độc, rất độc. Nên hãy cẩn thận với nó nếu bạn muốn phòng ngừa nhiễm coronavirus. Và luôn cần hướng dẫn của bác sĩ thuộc chuyên ngành đó. Ngay bản thân tôi, nếu muốn dùng, tôi cũng sẽ phải hỏi các bác sĩ chuyên khoa, chứ không dám tự chỉ định, tự uống".

BS Võ Xuân Sơn

Phòng Khám Quốc Tế EXSON

Phiên bản di động