Bắc Ninh: Hàng chục trạm trộn bê tông phá nát quy hoạch, đua nhau tàn phá đê sông Đuống
Liên danh nhà đầu tư Sân golf Thuận Thành liệu có đủ năng lực tài chính? Bắc Ninh: UBND huyện Tiên Du có “hậu thuẫn” cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật? |
Cách đây gần 2 năm, ngày 9/5/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 230 về việc phê duyệt quy hoạch khu vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trên địa bàn 6 huyện là Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài và thành phố Bắc Ninh. Kể từ đó cho tới nay, tại 65 khu vực được quy hoạch này đã có 129 điểm tập kết mọc lên, trong đó 40 điểm có quyết định giao, cho thuê đất.
Video ghi nhận của phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật.
Tuy nhiên, điều bất thường không phải ở 129 điểm tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng kia mà là hàng chục trạm trộn bê tông thương phẩm được xây dựng trái phép mọc lên “sừng sững” ven đê sông Đuống, đoạn chảy qua các huyện Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành... Hậu quả là môi trường bị hủy hoại, đất đai bị biến dạng, đê điều bị phá hỏng… khi hàng ngày, hàng trăm lượt xe bồn chở bê tông, xe 3, 4 chân chở cát, sỏi… đua nhau tàn phá tuyến đê xung yếu này.
Một trạm trộn bê tông phục vụ thi công dự án cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành nằm ngay cạnh dòng chảy của sông Đuống. |
Tại huyện Tiên Du, theo con số thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, hiện địa phương này có 11 khu vực với 21 điểm tập kết (7 điểm đã có quyết định giao, cho thuê đất) cát, sỏi và vật liệu xây dựng của 16 công ty, 3 cá nhân, 1 HTX và 1 xí nghiệp.
Thực trạng khu vực ven đê sông Đuống đoạn chạy qua xã Tri Phương, huyện Tiên Du. |
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Du, hiện có 8 trạm trộn bê tông (trong tổng số 9 trạm) được một số cá nhân, tổ chức dựng lên trái phép, bất chấp các quy định của pháp luật và được phân bổ chủ yếu ở xã Tri Phương, Cảnh Hưng và Minh Đạo với đủ mọi thương hiệu như An Phúc, Việt Nhật, Thịnh Cường, Việt Sinh, THS, Á Châu, Chèm, Hợp Thành, Thịnh Cường 2. Trong đó, trạm trộn của An Phúc là lớn nhất với 6 silo, tiếp đến là Thịnh Cường có 4 silo, còn lại là 2 – 3 silo.
Trạm bê tông nằm ngay sát dòng chảy của sông Đuống và rất có thể nước thải của những trạm trộn này được xả trực tiếp ra sông. |
Để làm rõ thông tin có hay không câu chuyện buông lỏng quản lý của các đơn vị chức năng từ thôn, xã cho tới huyện… trong câu chuyện để hàng loạt trạm trộn bê tông xây dựng sai phép và ngang nhiên hoạt động, coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật. Sau nhiều ngày bí mật ghi hình và thu thập thông tin, mặc dù đang trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 nhưng nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật đã ghi nhận mỗi ngày có hàng trăm lượt xe 3, 4 chân được cơi nới thành thùng chở đầy cát, sỏi, vật liệu xây dựng cũng như các xe bồn chở bê tông từ các trạm trộn nêu trên chạy ầm ầm trên mặt đê sông Đuống rồi rẽ xuống các con đường nhánh nối vào chân đê, tỏa đi nhiều khu vực khác trong huyện.
Những chiếc xe bồn và xe tải trọng lớn chạy trên bờ đê xông Đuống trên địa bàn huyện Tiên Du. |
Một điểm chung nổi bật của các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Tiên Du là chúng được dựng lên bên ngoài đê, gần sông Đuống và nằm ngay trong 11 khu vực bãi tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch.
Ông Nguyễn Huy Ngà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Du cho biết: Tất cả các trạm trộn bê tông ven sông Đuống chảy qua địa bàn huyện đều xây dựng không phép. Nhiều bãi tập kết cũng chưa được giao đất nhưng vẫn hoạt động bình thường, Cái này là do người dân và cán bộ cấp thôn, xã tự ý cho các cá nhân, tổ chức thuê đất và một phần do yếu tố lịch sử để lại, tất nhiên chủ yếu vẫn là sự yếu kém trong công tác quản lý tại cấp cơ sở. Trách nhiệm trước hết thuộc về trưởng thôn và Chủ tịch các xã(?)
UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. |
Đến đây, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: “Vậy 9 trạm trộn bê tông được xây dựng sai phép tại huyện Tiên Du phải chăng “quá nhỏ bé” nên các cơ quan như Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh (thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh); Sở Xây dựng Bắc Ninh và các cơ quan có liên quan từ huyện cho tới tỉnh không hề biết các xe bồn chở bê tông “bé như con voi”, các xe tải 3, 4 chân to như cái nhà đang hàng ngày, hàng giờ vận chuyển bê tông, cát, sỏi đi bán khắp nơi trên địa bàn? Phải chăng Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… không còn tác dụng tại địa phương này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.