Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ngày càng nặng nề
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5/2023 tiếp tục trầm lắng, trong khi hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ diễn ra tích cực, đã có thêm những tổ chức phát hành đàm phán thành công với trái chủ về gia hạn thời hạn trái phiếu.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, tính từ đầu tháng 5 cho đến ngày 23/5 không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới nào được thực hiện. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.137 tỷ đồng giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect đánh giá, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 5 vừa qua.
Tính đến ngày 23/5 đã có trên 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Đáng chú ý, theo đánh giá, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 6/2023, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, trong tháng 6 này sẽ có khoảng hơn 35,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng trước đó.
Mặt khác, theo tổng hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, tính đến ngày 23/05/2023 có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
Theo ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi mới đây đã có những chia sẻ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến các quyết sách của Chính phủ là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, minh bạch.
Những khó khăn của thị trường trong nửa cuối của năm 2022 và cho đến thời điểm gần đây thì xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan tác động đến nền kinh tế của Việt Nam và ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động phát hành trái phiếu và sử dụng trái phiếu cũng chỉ là hoạt động của sản xuất kinh doanh, đầu tư vào huy động vốn của doanh nghiệp, nên chắc chắn chịu tác động. Những tác động khó lường và tác động theo chiều hướng khó khăn đã tác động đến doanh nghiệp phát hành và làm cho thị trường trái phiếu gặp những khó khăn.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu ở Việt Nam còn rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và các chủ thể tham gia thị trường cũng còn non trẻ cùng với sự hình thành và phát triển đó, kể cả là các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến bản thân các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Từ phân tích nguyên nhân của những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một số giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong đó kể đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát, điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. Đó chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu và phải được ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn.
Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách, ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường này như ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.
"Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, rồi nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ", ông Chi chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 5/3/2023, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường.
"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường", ông Chi đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Ngoài ra, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8 nghìn tỷ đồng.
"Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản… thành công. Nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhìn nhận.