Áp lực chi tiêu “hậu Covid”

Sau nhiều mức giãn cách tăng cường, đợt dịch lần thứ 4 với nhiều tín hiệu khả quan đã dần đưa đất nước trở lại “bình thường mới”. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã dần ổn định hơn. Tuy nhiên, không ít mặt hàng vẫn liên tục bị đẩy lên cao, trong đó có một số sản phẩm “không thiết yếu” tăng đến 10% khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc.

Hết dịch, không còn khan hiếm, nhiều hàng hóa vẫn tăng giá “chóng mặt”?

Đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến 50% người lao động bị giảm thu nhập, gây ra nhiều tác động nặng nề đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Tại Việt Nam, có đến 60% người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp lên 4,7% (theo Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục thống kê). Từ nghiên cứu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, hơn 30% lao động nhóm thu nhập thấp cho biết rằng mức thu nhập hộ gia đình của họ giảm đến 50% so với trước đây.

Trong khi đó, nhiều tháng qua, giá hàng hóa lương thực, thực phẩm gia tăng mạnh, thậm chí có thời điểm tăng đến gấp hai, gấp ba. Ở thời kỳ cao điểm dịch, giá bí xanh tăng từ 30.000 đồng lên 60.000 đồng/kí, thịt cốt lếch tăng từ 130.000 đồng lên 220.000 đồng/kí… cùng nhiều loại cá, hải sản, gà vịt tăng chóng mặt.

“Lương giảm nhưng nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu vẫn phải mua. Chưa kể, đa phần hàng hóa đều đắt hơn nhiều so với trước đây, gia đình tôi phải cắt giảm nhiều chi phí khác để đủ trang trải cho ăn uống và sinh hoạt.” chị H.N (ngụ Quận Tân Bình, TP HCM), chia sẻ.

Từ tháng 10/2021, các quy định về nới lỏng giãn cách bắt đầu được áp dụng tại nhiều địa phương và thị trường hàng hóa cũng dần ổn định trở lại, mức giảm dao động từ 10 - 20%. Tuy nhiên, một số nhóm sản phẩm vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt và duy trì tăng cao, thậm chí tăng mạnh so với giai đoạn giãn cách gây nhiều khó khăn và bức xúc cho người dân.

Người tiêu dùng mua hàng tại
Người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng (Ảnh internet)

Gần đây nhất là thông tin giá nhiên liệu tăng mạnh, ở mức cao nhất trong vòng 7 năm. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng thêm 967 đồng/lít, lên mức 21.683 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 934 đồng/lít, lên mức 22.879 đồng/lít. Một số mặt hàng khác được gắn mác “không thiết yếu” cũng có sự thay đổi đáng kể khiến người tiêu dùng hoang mang. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2021, giá mặt hàng bia tăng từ 3 - 10% tùy loại, đây là mức tăng khá cao đối với mặt hàng này, khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ. Cụ thể hơn, bia Tiger tăng từ 345.000 đồng lên 360.000 đồng/thùng, bia Tiger Crystal tăng từ 389.000 lên 410.000 đồng/thùng. Sự biến động về giá này cũng được áp dụng đối với bia Heineken, 1 thùng bia Heineken Sleek tăng từ 430.000 đồng đến 445.000 đồng, trong khi đó, dòng sản phẩm bia Heineken Silver được cho là tăng đỉnh điểm, lên đến 10% so với giá cũ, từ 405.000 đồng đến 450.000 đồng/thùng (giá cả được niêm yết trên Bách Hóa Xanh).

Loại bỏ sản phẩm quen thuộc - giải pháp cắt giảm chi tiêu

Từ những tác động nặng nề của đại dịch, người tiêu dùng Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể về hành vi mua hàng. Theo khảo sát của Cimigo, có hơn 80% khách hàng sẽ hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu, họ cũng quyết định sẽ tạm hoãn việc mua những mặt hàng có giá trị cao. Cùng với đó, có 65% người tiêu dùng cũng đồng tình với ý kiến sẽ tìm kiếm những sản phẩm thay thế hoặc có giá rẻ hơn.

“Giá bia tăng cao trong thời điểm này làm tôi thấy khá bất ngờ. Nếu mức tăng này vẫn tiếp tục duy trì thì tôi sẽ cân nhắc lựa chọn những thương hiệu khác có giá cả hợp lý hơn để giảm bớt ngân sách gia đình, đặc biệt cho mùa Tết sắp đến.” - chị P.T chia sẻ.

Từ dữ liệu của Cimigo, có đến 64% người tiêu dùng không ủng hộ việc các thương hiệu bia tăng giá trong thời điểm này, cho dù đó là thương hiệu yêu thích của họ. “Mặc dù là thương hiệu yêu thích nhưng tôi rất không đồng tình khi công ty này tăng giá tận 10% mỗi thùng, đây là một mức tăng không hợp lý đối với một sản phẩm không được xem là thiết yếu. Tôi không biết lý do gì khiến sản phẩm này tăng mạnh như vậy và có vẻ như doanh nghiệp đang bỏ qua sự khó khăn của người tiêu dùng?” - anh N.H nhận xét.

Câu chuyện tăng giá được lý giải bởi sự khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển đắt đỏ trong mùa dịch. Tuy nhiên, lời giải thích có vẻ chưa thỏa đáng cho người tiêu dùng khi xét trong điều kiện chung, rất nhiều doanh nghiệp khác vẫn duy trì mức giá ổn định, thậm chí liên tục hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Ngay lập tức, một câu hỏi khác được đặt ra, liệu khi trở lại “bình thường mới”, các doanh nghiệp này có giảm giá bán về như trước dịch?

Có lẽ, người tiêu dùng sẽ cần câu trả lời hợp lý và chắc chắn hơn để đưa ra quyết định tiêu dùng thông minh hơn “hậu Covid”.

Hải Anh
Phiên bản di động