9 điểm mỗi môn vẫn trượt là "chuyện thường"
Khi con thi trượt... Để thất bại đừng hại đến con... Để không bị “trượt oan” khi đăng ký nguyện vọng... |
Điểm chuẩn ngành Sư phạm lên ngôi
Sau khi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm chuẩn tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều người bất ngờ bởi sự quan tâm của thí sinh đối với ngành Sư phạm khi điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng.
Theo đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29 điểm, gồm: Ngành Sư phạm Ngữ văn, ngành Sư phạm Lịch sử; ngành Sư phạm Địa lý.
Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3 điểm; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử - 28,42 điểm).
Với những ngành học này, tính bình quân, mỗi môn đạt 9,7 điểm, thí sinh vẫn trượt, nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.
Với ngành Sư phạm Ngữ văn, điểm chuẩn năm nay tăng so với năm ngoái lần lượt 2,9 và 1,47 điểm theo từng tổ hợp.
Với ngành Sư phạm Lịch sử, điểm chuẩn năm nay tăng so với năm ngoái lần lượt 1,54 và 0,88 điểm theo từng tổ hợp.
Ngành Sư phạm Âm nhạc (điểm chuẩn năm nay là 24,05) có mức tăng điểm chuẩn mạnh nhất, lần lượt là 5,55 và 4,5 điểm theo từng tổ hợp (năm ngoái điểm chuẩn là 18,5-19,55 tùy theo tổ hợp).
Ngành Sư phạm Sinh học cũng có mức tăng điểm chuẩn tới 3,89 điểm ở tổ hợp khối D08 và 1,81 điểm ở tổ hợp B00...
Như vậy, điểm chuẩn các ngành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều tăng, thậm chí có 2 ngành lên tới 29,3 điểm, tức bình quân mỗi môn thí sinh phải đạt hơn 9,7 điểm mới đỗ.
PGS. TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 |
"Nhiều người tốp trên thì người tốp dưới mất cơ hội"
Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm nay với năm khác thì điểm chuẩn năm nay "có vẻ cao quá". Điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy 29,3 điểm, cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc
Song, theo PGS. TS Nguyễn Đức Sơn, đây là tuyển sinh đại học, tức là chọn từ trên xuống dưới để tìm ra những người đủ năng lực theo các tiêu chí và yêu cầu của trường. "Nhiều người tốp trên thì người tốp dưới mất cơ hội. Đó là câu chuyện về nguyên tắc lựa chọn", ông bày tỏ.
Theo vị Hiệu trưởng này: "Các em được đặt vô số nguyện vọng, nên nếu không may trượt ngành yêu thích vẫn còn nhiều cơ hội khác. Đây cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, vì không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ một mình, còn có những người khác giỏi hơn và cần chấp nhận câu chuyện như vậy".
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, điểm chuẩn khối Sư phạm tăng cao là tín hiệu đáng mừng, trong khi đó năm nay, tổng chỉ tiêu các ngành Sư phạm của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm trước.
"Chỉ tiêu thấp hơn một chút thôi cũng đủ khiến điểm chuẩn cao lên do mức cạnh tranh cao hơn", ông Sơn nói.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm, khả năng có việc làm là rất cao?
Theo các chuyên gia, ngày nay nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn, điều này gây tác động không nhỏ đến lựa chọn của thí sinh, khiến số nguyện vọng vào nhóm sư phạm tăng 85% so với năm ngoái. Đây cũng là lý do góp phần khiến điểm chuẩn nhiều ngành Sư phạm ở mức 28-29 điểm.
Bên cạnh đó, một yếu tố nữa hấp dẫn thí sinh đăng ký nhóm ngành Sư phạm vì chính sách miễn học phí và sinh hoạt phí (3,6 triệu đồng một tháng), trong bối cảnh học phí các lĩnh vực khác tăng mạnh. Ngoài ra, số chỉ tiêu thấp, có ngành Sư phạm chỉ tuyển 15-20 sinh viên, nhưng bằng nhiều phương thức, dẫn tới số dành cho xét điểm thi tốt nghiệp còn rất ít.
Trước đó, tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp học sinh THPT” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức vào tháng 3 vừa qua, TS Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay, theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của trường (gồm các ngành Sư phạm và ngoài Sư phạm) năm 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 96,1%.
TS Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ |
Vị trí việc làm vô cùng đa dạng như: Giảng viên các trường đại học có ngành Sư phạm/hoặc ngoài Sư phạm; Giáo viên phổ thông; Các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục; Làm trong các tổ chức về chính trị xã hội (chính quyền, đoàn thể...).
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng cho hay: "Hiện nay, các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.
Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã giao các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức bổ sung khoảng 60.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026”, ông Nghệ nói.
Chưa kể, những ngành Sư phạm Âm nhạc và Nghệ thuật, Sư phạm Tin học, Sư phạm Tiếng Anh cũng đang rất thiếu giáo viên. “Thậm chí, hiện nay nhiều địa phương, nhiều trường phổ thông báo cáo về Bộ GD&ĐT rất muốn tuyển giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Âm nhạc hoặc Sư phạm nghệ thuật, Tin học, Tiếng Anh, nhưng không có người để tuyển. Bộ GD&ĐT đang phải dự thảo một Nghị quyết trình Chính phủ là cho phép các trường phổ thông có thể tuyển cả trình độ cao đẳng, vì trình độ đại học đang thiếu”, TS Phạm Như Nghệ nói.
Do đó, ông Nghệ cho rằng học Sư phạm ra, khả năng có việc làm là rất cao.
Năm nay, điểm chuẩn đại học nhìn chung tăng, đặc biệt ở các ngành tuyển bằng tổ hợp C00. Ngoài khối sư phạm, đầu vào các ngành nhóm công nghệ, Marketing hay Logistics cũng ở mức cao, cho thấy sức hút với thí sinh. Ở nhóm Y Dược, dẫn đầu vẫn là Y khoa và Răng Hàm Mặt. Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh trúng tuyển phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung, chậm nhất 17h ngày 27/8. Nếu bỏ qua bước này và không có lý do chính đáng, thí sinh bị hủy kết quả. Từ 28/8, các trường chưa đủ chỉ tiêu có thể tuyển bổ sung. Thí sinh nếu có nhu cầu đăng ký, cần theo dõi các thông tin của trường và làm theo hướng dẫn. |