4 tháng, Việt Nam thiệt hại gần 3.200 tỷ đồng do thiên tai
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước.
Theo thông kê, kể từ đêm giao thừa Canh Tý, đã xảy ra 07 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khiến nhà cửa, hoa màu, mùa màng bị thiệt hại nặng nề.
Lần đầu tiên sau 20/4, Hà Nội vẫn đón gióa mùa đông bắc. Nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ thấp nhất 50 năm gần đây.
Năm 2020 cũng chứng kiến cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, khu vực này cũng ghi nhận; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp.
Tính đến hết tháng 04/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
20 phút mưa đá tại Yên Bái khiến tỉnh này thiệt hại hơn 3 tỷ đồng |
Trước đó, trong năm 2019, ở trong nước, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 08 cơn bão và 04 ATNĐ; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 04 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long,… Một số trận thiên tai điển hình như:
Mưa lớn trên 400mm vào ngày 03/8/2019 đã gây lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8/2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.
Mưa lớn trên 300mm tại Tây Nguyên, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, làm vỡ đê Quảng Điền (tỉnh Đắk Lắk) và một số sự cố hồ chứa, đặc biệt nguy hiểm là hồ Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông
Mưa lớn lịch sử gần 1.200mm tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ ngày 01-09/8; trên 700mm/24h tại thành phố Vinh (Nghệ An) trong tháng 10/2019 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực trên.
Lũ lớn (trên BĐ3, 1m) trong tháng 9/2019, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Sạt lở đồng bằng sông Cửu Long với 623 điểm/chiều dài 921 km (tăng 61 điểm/135 km so với năm 2018).
Mặc dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn diến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người, cụ thể: 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng
Thiên tai không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, đình trệ sản xuất, giảm thu nhập của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
Ngày 15/5/2020 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của khoảng 1.600 đại biểu, nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua; Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. |