3 năm kích hoạt dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa: Tỉ lệ quá hạn chỉ 0,5%

Sau 3 năm đi vào thực hiện, Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận một khối lượng hồ sơ rất lớn, gần 165.000 hồ sơ TTHC, nhưng tỷ lệ quá hạn chỉ 0,5% trong suốt 3 năm hoạt động, đây là một con số gần như tuyệt đối, phán ánh sự nỗ lực rất tốt của tập thể, cán bộ trung tâm.
Hà Nội: Cải thiện để tăng 10-15 bậc chỉ số "Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự" Tạm dừng Trung tâm Hành chính công trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Bộ tỉnh Yên Bái

Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh với tên gọi là “Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa” và ngày 13/11/2018 được đổi tên thành “Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa”; Trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 28/11/2017.

Đây là đơn vị hành chính đặc thù, thuộc Văn phòng UBND tỉnh; là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh và chịu sự quản lý hành chính của Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

3 năm kích hoạt dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa: Tỉ lệ quá hạn chỉ 0,5%
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu kết luận hội nghị.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay tổng số TTHC được phê duyệt đưa vào thực hiện tại Trung tâm là 1.533 thủ tục thuộc 169 lĩnh vực của 19 sở, ban, ngành, đơn vị (gồm 1.521 TTHC của 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh tra tỉnh); 03 TTHC của Công ty Điện lực Thanh Hóa và 09 TTHC của Bảo hiểm xã hội tỉnh).

Từ ngày 28/11/2017 đến ngày 30/9/2020, các sở, ban, ngành, đơn vị tại Trung tâm đã tiếp nhận 164.774 hồ sơ TTHC của tổ chức, cá nhân (riêng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp số liệu tính từ ngày 28/11/2017 đến 31/12/2018, do Ban thực hiện cơ chế hành chính “Một cửa tại chỗ” tại Ban từ ngày 01/01/2019 theo Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh).

Kết quả tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, từ ngày 28/11/2017 đến ngày 30/9/2020, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 11.118 hồ sơ và chuyển trả kết quả 28.953 hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân. Về kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 từ ngày 16/9/2019 đến ngày 30/9/2020, các sở, ban, ngành tại Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 13.127 hồ sơ trực tuyến. Các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cao là Sở Công Thương (4.061 hồ sơ); Sở Y tế (2.156 hồ sơ); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1.320 hồ sơ); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (578 hồ sơ)…

Sau 3 năm đi vào hoạt động. Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; các hoạt động, như: Công tác phối hợp, đôn đốc, giám sát việc giải quyết hồ sơ TTHC; công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị; công tác thực hiện đánh giá việc giải quyết TTHC; các tiện ích hỗ trợ cho công dân, tổ chức đến giải quyết TTHC; công tác tuyên truyền… đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, góp phần xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định việc xây dựng và hình thành Trung tâm là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính trong nhiệm kỳ này; đồng chí cũng đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm sau 3 năm đi vào hoạt động.

Sau 3 năm đi vào thực hiện, Trung tâm đã tiếp nhận một khối lượng hồ sơ rất lớn, gần 165.000 hồ sơ TTHC, nhưng tỷ lệ quá hạn chỉ 0,5% trong suốt 3 năm hoạt động; đây là một con số gần như tuyệt đối, phán ánh sự nỗ lực rất tốt của tập thể, cán bộ Trung tâm. Góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong giải quyết TTHC.

Tuy nhiên, Chủ tịch Xứng cũng nêu thêm một số vấn đề cần cải thiện để Trung tâm tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới: Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp; trong đánh giá của báo cáo sơ kết mới đề cập được vấn đề giải quyết TTHC của Trung tâm nói riêng, nhưng chưa thể hiện được mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC trên toàn tỉnh; một số quy định, quy chế phối hợp về giải quyết TTHC còn chưa phù hợp; điều kiện, cơ sở hạ tầng của Trung tâm còn hạn chế về công năng làm việc...

Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu, từ nay đến năm 2025, hoạt động của Trung tâm phải đạt được 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC. Lên kế hoạch đăng kí Trung tâm phấn đấu trở thành đơn vị anh hùng vào năm 2025; hướng tới mục tiêu xây dựng Trung tâm trở thành Trung tâm tốt nhất cả nước. Muốn hiện thực hóa được mục tiêu đó, Trung tâm phải xây dựng đơn vị thành lực lượng nòng cốt trong đánh giá kết quả CCHC; là đầu mối chính trong theo dõi, đánh giá, giám sát việc giải quyết TTHC. Tập trung chuyển từ dịch vụ công bằng giấy sang hồ sơ điện tử; đặc biệt là việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành với Trung tâm; đánh giá mức độ hoàn thành giải quyết TTHC tại các sở, ngành một cách minh bạch khách quan; thực hiện tốt công tác tuyên truyền…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung tâm; chuyển đổi chức năng nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính từ phòng Kiểm soát thủ tục hành chính - Nội chính của Văn phòng UBND tỉnh sang Trung tâm. Kết nối phần mềm giám sát hoạt động giải quyết TTHC của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu Công nghiệp và Công an tỉnh với phần mềm của Trung tâm; các sở, ngành phối hợp với Trung tâm để làm việc với Bộ, ngành trong việc kết nối liên thông phần mềm giải quyết TTHC.

Yêu cầu các sở, ngành rà soát lại các quy định, không được quay vòng hồ sơ quá một lần; tăng cường thực hiện “4 tăng” (ứng dụng công nghệ thông tin; công khai minh bạch; trách nhiệm trong thực thi công vụ; sự hài lòng của tổ chức, công dân); “2 giảm” (giảm thời gian giải quyết TTHC; giảm chi phí thực hiện TTHC); “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn). Sở Tài chính và Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường bổ sung các ứng dụng phần mền cho Trung tâm; Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, đề xuất bố trí thêm diện tích sử dụng cho Trung tâm.

Tân Tam
Phiên bản di động