3 khó khăn khiến tăng trưởng nông nghiệp Việt không cao như 2018
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diễn biến thời tiết bất thường khiến sản xuất (SX) vụ Đông Xuân 2019 tại các tỉnh phía Bắc nhiều nơi tụt giảm về năng suất và sản lượng… Trong bối cảnh đó, 6 tháng đầu năm 2019, một số chỉ tiêu SX của ngành nông nghiệp chỉ ở mức tăng trưởng khá.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp Việt Nam |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 2,71% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi) tăng khoảng 1,44%, lâm nghiệp tăng khoảng 4,20% và thủy sản tăng khoảng 6,47%.
6 tháng đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Tính đến ngày 26/6, dịch đã xuất hiện ở 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 2 triệu con. Tổng số lợn tháng 6/2019 ước giảm 10,3% so với cùng thời điểm năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018… Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cùng với các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bộ đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn rào cản ATTP của các thị trường XK các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang Hà Lan, các sản phẩm thịt chế biến sang Hungary; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường Châu Âu. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Hoa Kỳ các sản phẩm trái cây như bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác; xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm trái cây tươi như vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa; thúc đẩy phía Hàn Quốc cấp phép nhập khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, chanh leo của Việt Nam.
6 tháng đầu năm, đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như xoài vào Mỹ, Anh, Úc; măng cụt vào Trung Quốc... Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại thị trường lớn Trung Quốc. Theo đó phía Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho 8 mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này (sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt); đồng thời đã cấp phép nhập khẩu tổ yến và các mặt hàng thủy sản như cua, cá ngừ, cá rô phi, nghêu… của Việt Nam; ký kết Nghị định thư cho phép nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm 2018. Đây là điều tất yếu bởi năm nay, nông nghiệp Việt Nam chịu 3 thách thức lớn: Một là, đà tăng trưởng chậm hơn so với dự báo của thế giới đã ảnh hưởng đến cầu về nông sản mà Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản rất lớn. Hai là, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây là 2 thị trường rất lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam nói riêng và về hàng hóa Việt Nam nói chung. Ba là, diễn biến thời tiết bất lợi, nhất là nắng nóng và đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy, dù đã có sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nông dân, tuy nhiên bức tranh kinh tế cuối cùng của nông nghiệp chúng ta cũng chỉ đạt tăng trưởng có 2,39% so với năm ngoái. Có thể nói đây cũng là kết quả cố gắng cao nhất của toàn ngành.
Trong bối cảnh khó khăn, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã tập trung đẩy nhanh hơn ở những lĩnh vực, những khu vực đang có dư địa. Một là lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản đã đẩy nhanh hơn vì đang có thời cơ, nhất là những tháng cuối năm 2019 cũng như thời gian tới vẫn còn đẩy nhanh hơn nữa. Thứ hai là thủy sản, cả về khai thác và nuôi trồng, đặc biệt nuôi trồng đang tăng trưởng mạnh, mặc dù thế giới hiện giá của thủy sản đang ở mức không cao, song đây là ngành vẫn còn dư địa để tập trung phát triển. Lâm nghiệp và thủy sản sẽ là 2 khu vực "cứu cánh" cho tốc độ tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp hiện nay.
Với ngành trồng trọt và chăn nuôi, sẽ phải đẩy nhanh tái cơ cấu lại. Trong đó, phải tập trung nỗ lực mọi giải pháp để chặn đứng được dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn chăn nuôi gia cầm và đại gia súc. Tuy nhiên phải hết sức chú ý đến yếu tố chăn nuôi bền vững, chú trọng cả về dịch bệnh, thị trường, tạo sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ ở 2 nhóm đối tượng là đại gia súc và gia cầm. Cùng với đó, phải sẵn sàng tâm thế các nhóm giải pháp tổng thể để ứng phó với thiên tai vì dự báo năm nay 6 tháng còn lại cực kỳ phức tạp về thiên tai.