131 tác phẩm lọt vòng chung khảo giải báo chí về văn hóa, thể thao, du lịch
Ngày 30/8, tại Hà Nội, Hội đồng chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2023 đã họp vòng chấm chung khảo, bỏ phiếu và xét trao giải.
Theo BTC, đến hết ngày gia hạn gửi tác phẩm dự thi (10/07/2023) theo dấu bưu điện), Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp nhận được tổng số 1.084 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nhà báo và công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Kết quả, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 131 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo.
Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, tác phẩm dự Giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 – 2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác, như các chính sách, vấn đề lớn về chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa đất nước, khơi dậy những giá trị cao quý, thiêng liêng của người Việt; Kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Các chính sách trong công tác nhà nước về di sản; Các vấn đề về gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa vùng miền như: Ngôn ngữ tiếng Việt, tà áo dài Việt Nam, văn thơ cung đình Huế, hát Then, xòe Thái, dân ca, đờn ca tài tử; Các tấm gương trong thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, thể thao cho người khuyết tật, hê phán các thói hư, tật xấu, phân tích mặt trái của mạng xã hội trong các vấn đề về văn hóa, gia đình và ứng xử; chính sách khôi phục và phát triển du lịch tại các địa phương sau đại dịch COVID-19…
Báo in là loại hình báo chí có số lượng tác phẩm gửi dự thi lớn nhất. Tác phẩm dự thi thuộc nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các bộ, ngành (Báo Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh...). Nhiều cơ quan báo chí cùng lúc gửi nhiều bài, loạt bài dự giải như các báo: Văn hóa, Nhân Dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới...
Hội đồng chung khảo thực hiện công tác xét Giải |
Về chất lượng các tác phẩm dự thi, đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, các tác phẩm đã đề cập kịp thời, sáng tạo, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, có nhiều vấn đề nổi bật như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giá trị của Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943; Tinh thần lan tỏa của Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 và thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sứ mệnh soi đường của văn hóa; Chấn hưng văn hóa Việt Nam; bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; khai mở tiềm năng, hiến kế phát triển du lịch; giải pháp, chính sách đầu tư cho thể thao nước nhà...
Đối với chất lượng tác phẩm, ở loại hình Báo in, nhiều tác phẩm viết công phu, đúng thể loại, phát hiện được những vấn đề mới, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, cách thể hiện khá sinh động. Một số bài chủ đề, đề tài không mới nhưng góc nhìn mới, bám sát thực tiễn, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể. Nhiều tác phẩm đã nêu được các giải pháp chớp thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, đồng thời dự báo những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn...
Tuy nhiên, dù có nhiều đề tài hay, báo chí đã chạm tới, nhưng cũng có những nội dung còn hời hợt, thiếu những phân tích, kiến giải một cách sâu sắc, toàn diện. Nhiều bài viết mới dừng ở phản ánh, không thể hiện được ưu thế của báo chí giải pháp trước các vấn đề nổi cộm của đời sống văn hóa. Số lượng các bài viết phản ánh mặt tích cực của lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch chiếm số lượng lớn hơn nhiều so với các bài phản ánh tiêu cực. Tuy nhiên, đề tài “Người tốt, việc tốt” trong lĩnh vực văn hóa còn ít; Vẫn thiếu vắng các bài viết thực sự có chất lượng cao tôn vinh các nghệ nhân đỉnh cao, các nhà văn hóa lớn, các thiết chế văn hóa mới, các mô hình hay...
Cũng theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, vẫn còn thiếu các đề tài về đào tạo cán bộ văn hóa nghệ thuật trong tất cả các lĩnh vực, văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Các loại hình văn học, nghệ thuật khác như âm nhạc truyền thống, giao hưởng, ba lê, các hình thức tạo hình truyền thống như sơn mài, sơn ta, khắc gỗ, thêu ren… chưa được chú ý. Đề tài thể thao cần đa dạng hơn, không chỉ là gương mặt những người đạt thành tích mà còn về công tác đào tạo, sự phấn đấu của các trường lớp, thể thao phong trào ở miền núi, ở vùng cao.
Để nâng cao hơn chất lượng Giải, các thành viên Hội đồng đã đề xuất, kiến nghị về công tác tổ chức Giải những năm tiếp theo. Trong đó, tăng cường tuyên truyền để thu hút sự tham gia của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương; Cân đối lĩnh vực văn hoá với các lĩnh vực còn lại để phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành. Một số ý kiến cho rằng, Ban tổ chức nên xem xét, đầu tư thêm cho việc số hóa tác phẩm và đưa lên cơ sở dữ liệu tập trung, sử dụng phần mềm chấm giải báo chí để công tác chấm giải online được thuận tiện hơn…
Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng chung khảo thống nhất sẽ trao giải thưởng ở các loại hình gồm: Báo in có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 12 Giải Khuyến khích; Báo điện tử có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 11 Giải Khuyến khích; Phát thanh có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 10 Giải Khuyến khích; Truyền hình có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 10 Giải Khuyến khích; Báo Ảnh có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C, 7 Giải Khuyến khích.
Ngoài ra, Giải tập thể được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 13/9.