10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" 2019
Gặp gỡ đối thoại, lắng nghe ý kiến khi tiếp công dân Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội: Điểm sáng về phục vụ Nhân dân |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (thứ tư từ phải sang) kể chuyện truyền thống với các bạn trẻ. |
PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (sinh năm 1937).
Ông đã nghiên cứu luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” để bảo vệ luận án tiến sĩ đầu tiên của Khoa Lịch sử. Luận án trở thành tư liệu trích dẫn trong những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông chủ biên cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” dung lượng hàng nghìn trang, được đánh giá cao, và gần đây ông xuất bản cuốn “Văn hóa Việt Nam truyền thống - một góc nhìn”, hơn 500 trang.
Ông đã được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011. Năm 2012, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ trao cho công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại”. Năm 2019, ông được nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 12.
Nhạc sĩ Lê Mây, nguyên cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (sinh năm 1942)
Ông là người sáng chế ra đàn T’rưng mali Lê Mây, là loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc, làm quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm nổi tiếng như “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, “Người là Hồ Chí Minh”, “Câu lý và người thương”.
Năm 2010 khi đi thăm đảo Trường Sa, ông là nhạc sĩ giữ kỷ lục về sáng tác 7 bài hát trong 8 ngày ở đảo. Đặc biệt, ông có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội như: Hà Nội linh thiêng và hào hoa; Đêm thu Hà Nội; Cà phê chiều Yên Phụ (đoạt giải Nhất cuộc thi viết về Hà Nội năm 2012)...
Ông được nhận Huy chương “Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam”, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều phần thưởng khác.
GS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương (sinh năm 1953)
Ông có nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và được nhận nhiều giải thưởng lớn, đã có 6 cuốn sách được xuất bản, hơn 200 công trình nghiên cứu y học, 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu. Ông là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei châu Á về khoa học công nghệ. Ông đã có hơn 40 công trình về phẫu thuật nội soi được giới thiệu trên nhiều tạp chí quốc tế...
Với những cống hiến xuất sắc trong ngành Y, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2008, tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Năm 2019 được Tạp chí Khoa học châu Á của Singapore bình chọn vào tốp 100 nhà khoa học châu Á tiêu biểu.
GS.TS Thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh, nguyên Trưởng phòng Điều trị Khoa Thần kinh và Tinh thần - Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam (sinh năm 1935)
Ông chủ biên nhiều sách y học: “Sổ tay hội chứng thần kinh, bệnh thần kinh”; “Thần kinh học trẻ em”; “Dinh dưỡng liên quan đến bệnh lý thần kinh”; “Bệnh Parkinson”; “Thần kinh học lâm sàng”; “Nhiễm khuẩn hệ thần kinh”… và nhiều ấn phẩm khác được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Luận án tiến sĩ của ông về chủ đề bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em (1989) đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động thanh toán bệnh dịch này tại Việt Nam. Hiện nay, ông là đại diện duy nhất Hội Thần kinh học Việt Nam tại Liên đoàn Thần kinh học thế giới - WFL.
Ông đã được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019.
Bà Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ (sinh năm 1973)
Hơn 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách Đội tại các trường tiểu học Trường Yên và Đông Sơn của huyện Chương Mỹ, bà Lê Thị Hòa luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp.
Bà đã mở lớp giảng dạy miễn phí tại nhà riêng cho học sinh nhiễm chất độc da cam/dioxin không có khả năng đến trường và các em học sinh nghỉ học giữa chừng. Ngoài ra, bà tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo từ năm 2015 đến nay với số tiền gần 400 triệu đồng.
Với những đóng góp trên, liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, bà được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, bà được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”; năm 2017 được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của thành phố.
Ông Lý Văn Phủ, nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (sinh năm 1963)
Là người dân tộc Dao, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Yên Sơn giai đoạn 2015-2017, ông Lý Văn Phủ thường xuyên vận động con em trong gia đình và nhân dân trong thôn tích cực học tập văn hóa, duy trì phát huy bản sắc dân tộc như học chữ Nho, thêu ren truyền thống của dân tộc Dao cũng như tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông còn tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, riêng gia đình ông đã trực tiếp hiến 200m2 đất để làm đường giao thông.
Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017 về thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (sinh năm 1953)
Là người sáng lập công ty từ năm 1994 đến nay, ông đã lãnh đạo đơn vị vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji không ngừng mở rộng quy mô, phát triển bền vững. Năm 2007, ông xây dựng và thành lập trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Công ty tạo việc làm cho 1.900 lao động (trong đó tạo việc làm cho 700 lao động tại Hà Nội).
Ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011; được thành phố Hà Nội công nhận 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm và trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, công dân phường Quang Trung, quận Đống Đa (sinh năm 1931)
Là người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng, năm 1948, ông gia nhập Đại đội 671 và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, ông là chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Khi bị địch bắn gãy nát một cánh tay, ông đã yêu cầu đồng đội chặt hộ cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Tấm gương của ông đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong toàn quân.
Sau khi bị thương, ông tập trung học văn hóa và tham gia ở nhiều vị trí công tác. Đến năm 1996, ông nghỉ hưu, cư trú và sinh hoạt tại khu dân cư số 7, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Trong quá trình sinh hoạt tại địa phương, ông luôn gương mẫu phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I, ông vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ông còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen khác.
Bà Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan), Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (sinh năm 1932)
Năm 2009, bà Lê Thu sáng lập Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long tại Hà Nội, gồm 30 người. Trong 10 năm hoạt động, bà dành trọn tiền lương hưu, vận động các nhà hảo tâm được tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Riêng gia đình của bà ủng hộ các hoạt động nhân đạo hơn 300 triệu đồng/năm.
Từ năm 2015 đến năm 2017, bà đã quyên góp trên 3 tỷ đồng để trợ vốn, xây nhà giúp người nghèo, xây cầu, trường học... tại một số tỉnh. Sáng kiến xây dựng gian hàng từ thiện “Ai có điều kiện thì mang đến cho, còn ai khó khăn thì tới nhận” tại 19/52 phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội của bà đã làm ấm lòng những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Bà đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1985; danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước năm 2005, tặng Bằng khen năm 2016; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2010, 2018...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (sinh năm 1968)
Là Tổ trưởng Tổ phục vụ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc - địa bàn thường xuyên đón khách du lịch tham quan, bà cùng các thành viên trong tổ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách, hộ kinh doanh trong khu vực bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bà đã cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tết hằng năm, bà thường đón Giao thừa trên đường phố để phục vụ bà con nhân dân vui chơi quanh khu vực Bờ Hồ.
Năm 2010, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bà còn được Chủ tịch UBND thành phố, Công đoàn ngành Xây dựng tặng Bằng khen. Hằng năm, bà đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, “Người tốt, việc tốt” cấp công ty...