Xử lý xe quá tải, quá khổ “đại náo” các tuyến đường Hà Nội
Giao thông Hà Nội ra sao sau nhiều chỉ đạo nghiêm túc phòng dịch? Phương án tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn đón người dân về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ |
Nhiều con đường “oằn mình” cõng xe quá tải
Theo quan sát của phóng viên, tại một số tuyến đường như: Đê Nguyễn Khoái (Hai Bà Trưng), đê Hữu Hồng (khu vực gầm cầu Thanh Trì), đường Ngọc Hồi (Thanh Trì), đường Võ Nguyên Giáp (Đông Anh)… đều là những khu vực tập trung nhiều công trường xây dựng, bãi tập kết cát nên tình trạng các xe tải vi phạm về quy định trật tự an toàn giao thông xảy ra thường xuyên, bất kể là ngày hay đêm.
Qua ghi nhận, những tuyến đường trên hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đất, cát, vật liệu xây dựng có trọng tải lớn đi qua khiến mặt đường bị rạn nứt, lún dài.
Mặc dù nhiều khu vực đã được các lực lượng chức năng sửa chữa, đắp nhựa đường nhưng chỉ duy trì được một vài tháng lại trở về với bộ mặt “xấu xí” như ban đầu. Các vết nứt trên các tuyến đường kéo dài tạo thành những “ổ voi”, “ổ trâu”, “con lươn” khổng lồ khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều nguy hiểm.
Thành viên tổ công tác kiểm tra giấy tờ lái xe điều khiển phương tiện có dấu hiệu chở quá tải |
Đặc biệt, thùng xe của nhiều phương tiện vận tải có dấu hiệu đã qua chỉnh sửa không đúng với quy chuẩn ban đầu, không che chắn kỹ càng làm vật liệu rơi ra đường khi di chuyển gây khói bụi, ô nhiễm, mất an toàn giao thông.
Chị Lê Thanh Thảo (38 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, hằng ngày chị đều cùng con nhỏ di chuyển qua đoạn đường Ngọc Hồi. Mỗi khi qua đây chị Thảo có cảm giác bất an vì các xe tải đi qua đây rất nhiều. Khi đó các xe kéo theo cả một làn khói bụi cát bay mù mịt. Khi trời mưa thì có chỗ đường lầy lội bùn đất rất khó di chuyển.
Chung nỗi lo với chị Thảo, anh Nguyệt Việt Bắc ( 43 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khu vực đê Nguyễn Khoái nhiều năm nay luôn là “điểm đen” của các vụ tai nạn giao thông, nhất là khu vực Cảng Hà Nội và Cảng Khuyến Lương. Nơi đây tập trung rất nhiều xe có trọng tải lớn hoạt động.
Tăng cường tuần tra ngày - đêm, xử lý đồng bộ
Trước tình trạng trên, vừa qua Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ Hà Nội (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các xe có dấu hiệu chở quá trọng tải, không che chắn kỹ hàng gây ô nhiễm môi trường trên đường bộ.
Tổ công tác thực hiện kiểm tra giấy tờ của lái xe vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông |
Gần đây nhất, chỉ trong sáng 12/4, tại tuyến đường Lê Thánh Tông (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) tổ công tác đã trực tiếp phát hiện và xử lý 4 xe tải chở đầy cát đang di chuyển vào công trường bên trong Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội). Trong đó có hai trường hợp chở quá tải trọng cho phép và hai trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường, chở hàng không che đậy kín.
Sau khi phát hiện, nêu rõ lỗi vi phạm, lực lượng chức năng thực hiện lập biên bản, ra quyết định xử phạt với các phương tiện có dấu hiệu quá tải, vi phạm vệ sinh môi trường.
Lực lượng chức năng thực hiện lập biên bản, ra quyết định xử phạt với các phương tiện có dấu hiệu quá tải, vi phạm vệ sinh môi trường |
Đồng chí Nguyễn Khắc Tuyến, Phó đội trưởng trật tự giao thông, tổ trưởng tổ công tác liên ngành cho biết: “Đối với những trường hợp các xe chở hàng vật liệu xây dựng hay bùn đất phế thải phát sinh từ công trường chở hàng không có sự che chắn kín, không đảm bảo theo đúng yêu cầu của chủ đầu tư hay có dấu hiệu vận chuyển quá tải trọng, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm chúng tôi sẽ lập tức dừng phương tiện và yêu cầu chủ xe xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan.
Nếu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở hay thậm chí là xử phạt để răn đe để tránh tiếp diễn. Tuy nhiên, nhiều lái xe khi bị lực lượng cảnh sát môi trường và thanh tra giao thông vận tải kiểm tra lại có thái độ bất hợp tác, cố thủ bên trong xe, không xuất trình giấy tờ nhằm “câu giờ” khiến chúng tôi phải sử dụng biện pháp cưỡng chế, kéo xe về nơi tạm giữ”.
Quý I/2022, Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ đã xử lý trên 200 trường hợp vi phạm gồm các hành vi cơi nới thành thùng, vệ sinh môi trường… Ban hành quyết định xử phạt với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, có những trường hợp vi phạm bị phạt tới 74 triệu đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 4 tháng đối với lái xe và chủ xe doanh nghiệp. |
Khi được hỏi về những chiêu trò mà các tài xế lái xe quá tải thường sử dụng để trốn tránh các lực lượng chức năng nhằm không bị xử phạt, ông Lê Thành Điểm - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội) cho biết: “Nhiều tài xế đã lợi dụng thời điểm đêm khuya vắng để chạy xe nhằm qua mặt các lực lượng kiểm tra. Thậm chí, có những đối tượng còn cử người theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng để báo cho các phương tiện vi phạm biết để né tránh hay dừng hoạt động tại tuyến đường đơn vị kiểm tra. Do đó, chúng tôi sẽ tăng cường thêm những biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các hành vi chống đối, thiếu ý thức của lái xe, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm”.
Nhằm nâng cao việc kiểm tra, giám sát các xe có dấu hiệu quả tải gây khói bụi, ô nhiêm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng thiết bị ghi hình để có căn cứ xử phạt "nguội" các phương tiện vi phạm. Đây được xem như một giải pháp hiệu quả, hỗ trợ tốt cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, để có thể giảm thiểu tình trạng các xe tải vi phạm trên các tuyến đường, ông Lê Thành Điểm cho biết thêm: “Trước tiên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các lái xe. Sau đó tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm đồng bộ và quyết liệt. Các chủ đầu tư cũng cần giám sát chặt chẽ và quy định rõ ràng với các nhà thầu chịu trách nhiệm vận chuyển về việc các xe phải đảm bảo trọng tải, trước khi ra khỏi công trường phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp vệ sinh thật đảm bảo để tránh gây ô nhiễm môi trường khi di chuyển”.