Xử lý video phản cảm trên mạng xã hội: Đâu là giải pháp triệt để

Các ứng dụng làm video trên điện thoại di động và độ mở của các mạng xã hội đang tạo điều kiện cho nhiều người có thể làm clip, video. Tuy nhiên, với xu hướng câu view kiếm tiền, ngày càng nhiều video có nội dung không lành mạnh, thậm chí phản cảm, bạo lực đang tác động đến suy nghĩ, hành vi và định hướng của giới trẻ.
Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng clip phản cảm Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng clip phản cảm
'Bộ Công Thương đề nghị không đưa tin trái chiều về giá điện là phản cảm'
Đề xuất phạt người căng băng rôn phản cảm khi tranh chấp tại chung cư Đề xuất phạt người căng băng rôn phản cảm khi tranh chấp tại chung cư

Xuất hiện ngày càng nhiều video phản cảm

Vào mạng xã hội trở thành thói quen và giải trí của nhiều người. Nhất là khi sản xuất clip, video với mục đích thu hút nhiều lượt xem để kiếm tiền, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều video phản cảm.

Thùy Dung, một Youtuber vừa đạt giải clip quảng bá du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức chia sẻ: Để xây dựng một clip chuyên nghiệp phải làm theo ê kíp và kỳ công dựng và mất thời gian. Tuy nhiên, lượt view không cao so với một số clip mà một số youtuber đang làm theo hướng yếu tố hài, giật gân…

Chú thích ảnh
Nguyễn Văn H ký biên bản làm việc với Sở Thông tin Tuyền thông Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Theo một số đơn vị sản xuất nội dung, trong tất cả các tiêu chí câu view hoặc hướng dẫn cách câu view trên Youtube, chất lượng nội dung luôn được đặt lên hàng đầu, mang đến lượng view ổn định. Tuy nhiên, các clip trên mạng xã hội như Facebook, Youtube có lượt xem (view) cao thường là về giải trí hoặc những chuyện giật gân, "độc", lạ. Đó là lý do mà các kênh youtuber mới nổi thu hút lượt view cao thường tìm những chiêu trò khai thác vào yếu tố “độc”, “lạ” thậm chí có tính giật gân.

Hầu hết các Youtuber khi xác định đây là nghề kiếm tiền đều nhận thức được điều này và lạm dụng các chiêu trò để câu view, bất chấp các chuẩn mực đạo đức khiến chính cộng đồng mạng lên tiếng. Đơn cử như chiêu trò “thử thách” thả dao từ trên cao đầy nguy hiểm mà kênh Youtuber NTN từng làm và bị phụ huynh phản đối gay gắt. Hoặc một số clip phản cảm như hướng dẫn thắt cổ, nhảy xuống dòng nước chảy siết… Những trò chơi như vậy, trẻ em có thể sẽ bắt chước làm theo, rất nguy hiểm, thậm chí kích thích bạo lực. Hậu quả đã xảy ra trên thực tế khi vào trung tuần tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh đã tử vong khi bắt chước trò chơi treo cổ trên Youtube.

Không chỉ người dân, đầu năm nay, Ủy ban Dân tộc cũng đã từng gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh tình trạng có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải các tiểu phẩm trên mạng xã hội với nội dung và hình ảnh bôi nhọ đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng. Kênh điển hình được Ủy ban Dân tộc nhắc tới là kênh YouTube A Hy TV. Ngay sau khi báo chí phản ánh, lập tức chủ kênh này đã gỡ toàn bộ các clip trên.

Chị Nguyễn Hồng Minh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), có con học lớp 7, cho biết: Sau đợt dịch COVID-19, con tôi và các bạn cùng lớp thường rủ nhau chơi game qua mạng và rủ nhau xem các kênh Youtube hài, nhạc chế… “Lúc đầu nghĩ là cho con trẻ giải trí nhưng khi tôi vô tình kiểm tra thì thấy dung tục với nhiều câu thoại chửi bậy, một số clip cổ vũ bạo lực. Khi bị cấm không cho xem thì bọn trẻ đối đáp "nếu không vào mạng chơi thì không biết chơi gì, chơi ở đâu" vì thực tế khu dân cư thiếu chỗ chơi cho trẻ em”, chị Hồng Minh chia sẻ.

Phó GS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Những video, clip cung cấp kỹ năng, kiến thức cần thời gian suy ngẫm nên kén người xem; trong khi những clip giải trí với yếu tố hài hước, lạ và thậm chí phản văn hóa lại dễ thu hút nhiều lượt view, đặc biệt là hướng tới đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. Về mặt tâm lý, đây là lứa tuổi vị thành niên đang tách khỏi bố mẹ và tìm kiếm thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, trong thực tế, các hoạt động vui chơi ít nên càng “đẩy” các em lên mạng. Đối tượng này chưa có kinh nghiệm nên không biệt đâu là thật giả, dẫn đến nhiều hậu quả.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.

Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em. “Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ", ông Trần Thành Nam cho biết.

Chị Nguyễn Hồng Minh cho biết, đi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm có cho biết, khi hỏi các em về nghề nghiệp, không ít học sinh cho rằng lớn lên làm Youtuber là kiếm được tiền, không cần học giỏi làm gì. Đây là điều đáng lo ngại vì ảnh hưởng của những video này đang làm thay đổi hành vi của trẻ em vị thành niên.

Sớm có giải pháp tổng thể

Tại cuộc họp do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức bàn về các giải pháp ngăn chặn các thông tin, clip xấu độc, một số Youtuber, nhà sản xuất nội dung thừa nhận: Để đầu tư clip chất lượng thì chi phí rất lớn. Trong khi có những clip quay đơn giản với những nội dung “tự chế”, thêm một số kỹ xảo công nghệ dựng hình thì dễ hút người xem, chủ yếu là trẻ em. Do đó, cần định hướng nội dung với những tiêu chí cụ thể thế nào là clip, video phản cảm..., kết hợp với xử phạt nghiêm mới hạn chế tình trạng làm clip, video phản cảm.

Luật sư Nguyễn Minh Ánh cho biết: Định nghĩa thế nào là video phản cảm, nhảm nhí hiện khá chung chung. Một số clip, video phản cảm mà cơ quan chức năng xử lý vừa qua cũng xuất phát từ chính phản ứng cộng đồng. Do đó, ngành thông tin và ngành văn hóa cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tạo hành lang pháp lý rõ ràng.

Về vấn đề này, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Youtube, Facebook là một nền tảng mạng xã hội mở nên đã tạo điều kiện cho mỗi người có khả năng tạo ra các nội dung có tính cá nhân hóa hoặc sáng tạo theo sở thích, sở trường. Tuy nhiên, sự sáng tạo không có nghĩa là được phép vượt ra ngoài những chuẩn mực về cộng đồng cũng như qui định pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội tại mỗi quốc gia, địa phương.

Khi phát hiện các clip sai phạm trong không gian mạng, khó nhất là việc định danh những đối tượng làm những video nhảm nhí, phản cảm. Một số đối tượng xác định nhanh nhưng cũng có những đối tượng phải truy vết mất nhiều thời gian.

Theo thông báo của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong hơn 2 năm qua, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh Youtube (gồm 2 kênh của Khá "Bảnh" và 1 kênh của Dũng "trọc"). Bên cạnh đó, một số cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung “nhảm”, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Cụ thể, mới đây, Nguyễn Văn H, (tên tài khoản Youtube là Hưng Vlog), ngụ tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Bắc Giang lập biên bản xử phạt với tổng số tiền 17,5 triệu đồng, theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. do đăng tải những video không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 181 năm 2013 về quảng cáo. Trong đó có bổ sung quy định là những người cung cấp nội dung quảng cáo xuyên biên giới không chỉ tuân thủ nội dung quảng cáo mà còn phải quản lý cả nội dụng khi phát trên mạng và thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam.

Theo thống kê, thị trường quảng cáo trực tuyến từ Việt Nam trị giá 400 triệu USD mỗi năm và 70% dòng tiền đổ về mạng xã hội lớn như google, facebook… Do đó, việc quy định nghĩa vụ thuế với Việt Nam và kiểm soát dòng tiền nếu nội dung vi phạm pháp luật sẽ là chế tài mạnh tay xử lý những video phản cảm cố tình dùng chiêu trò câu view.

"Để ngăn chặn, cần giải pháp tổng thể, bên cạnh hệ thống pháp luật thì nâng cao năng lực công nghệ số để kiểm soát, đồng thời nâng cao năng lực từ chính cha mẹ và chính các em khi tham gia thế giới mạng. Tùy vào độ tuổi và năng lực nhận biết theo độ tuổi mà cha mẹ có những định hướng để mở rộng dần cho các em tham gia không gian mạng”, ông Trần Thành Nam cho biết.

Nguồn: Báo Tin Tức
baotintuc.vn
Phiên bản di động