Xử lý thế nào vụ tai nạn do người điều khiển xe máy đi ngược chiều đã tử vong?

Tối 14/2, tại đường Bưởi trên cao qua Cầu Giấy đã xảy ra vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nạn nhân không chấp hành báo hiệu đường bộ, đi xe máy ngược chiều. Vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý vụ việc thế nào khi nạn nhân, người góp phần gây nên sự việc đã tử vong?
Do đi xe máy ngược chiều trên đường vành đai 2, nạn nhân tử vong tại chỗ Ô tô xe máy đâm nhau, một người tử vong trên đường vành đai

Để giải đáp những băn khoăn của bạn đọc trong việc giải quyết vụ tai nạn giao thông trên đường vành đai 2 trên cao (đoạn Bưởi - Cầu Giấy, Hà Nội), PV đã có buổi trao đổi với thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về việc giải quyết vụ tai nạn trên dưới góc độ pháp lý.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, qua thông tin thì có thể nói đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, lỗi lớn nhất và có thể nhìn thấy rõ là lỗi của nạn nhân. Bởi vậy, người thiệt hại lớn nhất là nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bên cạnh đó còn gây hệ lụy đến người khác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Để điều tra, làm rõ vụ tai nạn, cơ quan chức năng sẽ xác minh tốc độ, khả năng quan sát và việc xử lý tình huống của người lái xe ô tô. Trong trường hợp người lái xe ô tô đi quá tốc độ, không chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì người lái xe ô tô sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

xu ly the nao vu tai nan do nguoi dieu khien xe may di nguoc chieu da tu vong
Nạn nhân bị văng qua dải phân cách sau vụ tai nạn giữa xe ô tô 16 chỗ và xe máy trên đường vành đai 2 trên cao (đoạn Bưởi - Cầu Giấy)

Nếu trường hợp người lái xe ô tô được xác định hoàn toàn không có lỗi, lỗi thuộc về nạn nhân thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời người lái xe ô tô sẽ không phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ để xác định người lái xe ô tô không có lỗi là chiếc xe đã chạy đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, có chú ý quan sát và khi phát hiện ra xe máy đi ngược chiều người này đã xử lý tình huống như phanh, sử dụng còi, đèn... để cảnh báo nhưng do xe mô tô chạy ngược chiều lại đi quá nhanh nên đã đâm trực diện vào xe ô tô.

Vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có lỗi và gây thiệt hại. Trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ không được đặt ra.

“Thời gian qua có không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khi phương tiện giao thông đi ngược chiều vào đường một chiều hoặc đi vào đường cao tốc. Hành vi đi vào đường cấm, đi ngược chiều trên đường một chiều, đi xe máy, xe thô sơ vào đường cao tốc... thể hiện ý thức chấp hành luật giao thông rất kém và gây nguy hiểm cho người khác. Bởi vậy, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP Chính phủ đã nâng mức xử phạt hành vi này lên đến 18 triệu đồng”, luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, việc bồi thường thiệt hại trong những vụ án tai nạn giao thông hiện nay sẽ được xác định là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Chương XX, Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể nguyên tắc bồi thường thiệt hại là có thiệt hại xảy ra, có lỗi do người có năng lực trách nhiệm dân sự gây ra một cách cố ý hoặc vô ý. Bồi thường thiệt hại có thể bao gồm thiệt hại do tài sản bị xâm hại, thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín bị xâm hại... Nguyên tắc này được quy định từ điều 548 đến Điều 587 Bộ luật dân sự.

Theo quy định tại điều 548 và điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trong vụ án tai nạn giao thông nếu lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ không được đặt ra. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ phải bồi thường thiệt hại nếu như cả hai bên đều có lỗi hoặc người điều khiển phương tiện giao thông có lỗi gây thiệt hại đến người khác thì phải bồi thường.

Bởi vậy, trong vụ án này cơ quan giải quyết tai nạn giao thông sẽ xác định người lái xe ô tô có lỗi hay không. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người lái xe ô tô không có lỗi (đã đi đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, việc xử lý tình huống đúng luật, đây được xác định là sự kiện bất ngờ), lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe mô tô đi ngược chiều vào đường vành đai 2 thì gia đình nạn nhân phải chịu toàn bộ thiệt hại đã xảy ra.

xu ly the nao vu tai nan do nguoi dieu khien xe may di nguoc chieu da tu vong
Chiếc xe máy bị mắc kẹt dưới gầm xe ô tô và kéo lê một đoạn sau khi vụ tai nạn xảy ra trên đường vành đai 2 trên cao

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị cần phải thực hiện các giải pháp như: Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, hợp lý, khoa học có tính dự báo và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, có tính khả thi cao; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức pháp luật, văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

"Làm sao để người dân hiểu biết các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, tự giác chấp hành như một hoạt động văn hóa thường ngày trong đời sống xã hội thì tình trạng vi phạm giao thông sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chức năng xây dựng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, đa dạng hóa các loại hình giao thông, phát triển các phương tiện giao thông công cộng để người dân có nhiều lựa chọn khi tham gia giao thông. Phương tiện giao thông công cộng thuận tiện thì tình trạng sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm đi cũng như ý thức chấp hành giao thông sẽ tăng lên, vi phạm giao thông sẽ ít xảy ra hơn", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo luật sư Cường, ở các nước có hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm phát triển thì người dân sẽ ít sử dụng phương tiện cá nhân và hành vi vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt cũng ít xảy ra.

“Tôi cho rằng, cần hạn chế phạt trực tiếp, tăng hình thức phạt nguội, kiểm soát và xử lý vi phạm bằng các phương tiện điện tử thì những tiêu cực, bức xúc, tồn tại trong việc xử lý vi phạm giao thông sẽ được giải quyết. Hình phạt nghiêm khắc nhưng người áp dụng không nghiêm túc, áp dụng không triệt để thì xã hội càng trở nên phức tạp, người vi phạm sẽ nhờn luật”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Khoản 3, Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động