"Xe dù" lách luật bằng cách biến tấu thành xe hợp đồng
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 3 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải |
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn tại Hội trường |
Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Nêu câu hỏi chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới việc rà soát, thu hồi xe máy quá hạn sử dụng; việc xử lý tình trạng "xe dù bến cóc" gây ùn tắc giao thông.
ĐB Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) băn khoăn về việc UBND TP đã giao công an và các quận, huyện hoàn thành rà soát thống kê xe máy đã qua sử dụng thông qua năm sản xuất, tháng 3/2019 phải rà soát nhưng đến nay việc này vẫn triển khai chậm, chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị cho biết biện pháp, giải pháp khắc phục.
ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) nêu thực trạng hiện nay trên địa bàn TP vẫn diễn ra tình trạng xe khách tuyến cố định hoạt động sai hành trình, dừng đón trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng dừng đỗ đón trả khách như các xe tuyến cố định; tình trạng xe buýt nhái vẫn ngang nhiên hoạt động gây ùn tắc giao thông; nguy cơ các bến xe chính giảm các phương tiện giao thông, trong khi đó nở rộ "xe dù, bến cóc". Đại biểu đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết trách nhiệm của lực lượng công an trong việc xử lý các vi phạm? Công an TP có giải pháp gì trước mắt và lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, theo Nghị định 95 Chính phủ, Quyết định 16 của Chính phủ và Nghị quyết 04 của HĐND TP, cơ quan đã rà soát đối với xe ô tô hết niên hạn, tại TP có 9.036 ô tô; đối với xe máy có niên hạn 30 năm có 43.446 xe, trên 40 năm có 10.532 xe, trên 50 năm có 479 xe.
Theo quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ, xe tải có niên hạn quy định 25 năm, xe khách niên hạn 20 năm, cơ quan chức năng có căn cứ để thông báo. Riêng đối với phương tiện xe máy, Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP chưa đưa ra quy định cụ thể. Vì vậy, trên cơ sở rà soát, qua kiểm tra, phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng tạm giữ các xe vi phạm có niên hạn sử dụng 30 – 40 năm, các chủ sở hữu không lấy xe, vì có khi tiền phạt cao hơn tiền xe. Công an TP đã kiến nghị UBND TP, đề xuất thanh lý, hủy các phương tiện này.
Riêng đối với loại hình xe tải, xe khách, tuy thông báo tới chủ sở hữu 7.200 xe nhưng hầu hết chủ phương tiện không đến, bởi nhiều chủ phương tiện đã bán cho chủ khác, thậm chí các chủ khác đã chuyển hóa thành hình thức vận tải khác, đưa đến địa bàn khác hoạt động, không hoạt động tại Hà Nội.
Từ thực tiễn đó, ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ quan đã phối hợp với Sở GTVT bên đăng kiểm, phát hiện có xe quá hạn, đề nghị thu hồi biển kiểm soát, giấy tờ xe để chuyển cơ quan công an, phối hợp chung tôi để lập biên bản cấm lưu hành. Tuy nhiên, hiệu quả rất thấp.
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Đức về xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc", Giám đốc Công an TP cho rằng, đây là thực trạng nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, là nội dung nhức nối trong khâu đảm bảo trật tự ATGT. Các lực lượng chức năng phối hợp Thanh tra giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi "bắt" khách dọc đường, chạy sai luồng. Nếu làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý.
“Về các giải pháp, hiện chưa có giải pháp đột biến. Ở các bến xe, nhất là ở bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, dán các pano, áp phích trên xe, tuyên truyền chung, giáo dục lái xe chấp hành” – Giám đốc Công an TP chia sẻ.