"Xanh hóa" cảng biển Việt Nam
Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TPHCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Ảnh: Tân Cảng Sài Gòn |
Theo công bố của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về phát thải khí nhà kính lần thứ 4 vào tháng 8/2020, lượng phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển (quốc tế, nội địa và đánh bắt cá) đã tăng gần 9,6% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018 (từ 977 triệu tấn lên 1.076 triệu tấn). Chỉ tính riêng phát thải khí CO2 đã tăng từ 962 triệu tấn lên 1.056 triệu.
Theo dự báo, đến năm 2050, lượng phát thải khí thải nhà kính của hoạt động vận tải biển sẽ tăng lên tới 50% so với năm 2018, bất chấp các biện pháp hiệu quả năng lượng được áp dụng do nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, châu Á và châu Phi dự báo sẽ có mức tăng phát thải mạnh nhất do lưu lượng cảng tăng trưởng mạnh và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế.
Còn theo thông tin được công bố trên Diễn đàn Giao thông quốc tế năm 2020, lượng phát thải từ tàu biển làm phát sinh gần 12 tỷ euro mỗi năm tại 50 cảng lớn nhất thế giới. Khoảng 230 triệu người trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng biển trên thế giới về lượng khí thải vận chuyển (CH4, CO, CO2 và Nox). Vì vậy, việc “xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc giảm khí phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Tiêu chí “cảng xanh” bắt buộc áp dụng từ năm 2030
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam (Đề án).
Theo lộ trình trong Đề án, từ năm 2021-2022, cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chí “cảng xanh”. Từ năm 2023, mô hình “cảng xanh” tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện.
Giai đoạn 2023-2025, công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng biển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí về “cảng xanh” tại Việt Nam cũng sẽ được triển khai.
Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.
Đến giai đoạn 2025-2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí “cảng xanh” sẽ được xây dựng và ban hành. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí “cảng xanh” ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí “cảng xanh” cho hệ thống cảng biển Việt Nam cũng sẽ được thực hiện ở giai đoạn này.
Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Thế nào là một "cảng biển xanh"?
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác cảng biển, Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam được Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng từ tháng 1/2019 và đã được Bộ GTVT phê duyệt, giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển triển khai thực hiện.
"Cảng xanh" tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer) với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm); sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm); quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm); sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm); giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm).
“Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm). Doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí”, bà Tú Anh thông tin.
Tuy nhiên, bà Tú Anh cho rằng, trong việc "xanh hóa" cảng biển còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Doanh nghiệp thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn rất hạn chế.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đã có cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TPHCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Đây cũng là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam quy mô 160 ha bãi, 2.040 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong TOP 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới.
Chia sẻ về kinh nghiệm “xanh hóa” cảng biển, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp này đã tập trung vào các tiêu chí như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0…
Những tiêu chí đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động: Thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEUS (thay thế được khoảng 2.000 ô tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông…