Xã nghèo bán đất quy hoạch trường học để xây dựng nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ tiền tỷ
Lợi dụng thông tin quy hoạch, cò đất thổi giá vùng ven trung tâm Hà Nội Bắt đối tượng buôn ma túy cực kỳ nguy hiểm ở Mường Nhé |
Chủ trương của lãnh đạo huyện?
Nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) về việc chính quyền xã này sử dụng tiền đấu giá đất để xây dựng nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ khiến không ít người dân trong xã bức xúc. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Sùng Páo Ly, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé để tìm hiểu về thông tin người dân cung cấp.
Theo ông Ly, ngày 30/10/2018, UBND xã Mường Nhé đã có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật về việc thực hiện đầu tư hai sân bóng chuyền, một nhà thi đấu tennis, một sân bóng rổ và các hạng mục phụ trợ khác. Tổng trị giá của các công trình trên là 6,55 tỷ đồng. Nguồn tiền từ đấu giá đất của địa phương.
Quyết định phê duyệt báo cáo KTKT xây dựng công trình hai sân bóng truyền, nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ, hàng rào khu vực sân vận động huyện. |
Theo nhiều người dân nơi đây, đó là sự phi lý ở xã đặc biệt khó khăn Mường Nhé nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung. Họ không thể đồng thuận, bởi đại đa số nhân dân của xã chưa biết gì về môn thể thao tennis, cả lãnh đạo xã này cũng khẳng định chưa một lần được cầm vợt, vậy mà phải “tuân lệnh” chi tiền tỷ để xây dựng nhà thi đấu tennis?
Ông Sùng Páo Ly, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Việc đầu tư xây dựng nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ không thông qua Nghị quyết HĐND xã mà chỉ thông qua chủ trương của thường trực ba bên. Trước khi xã Mường Nhé quyết định đầu tư, Huyện ủy và UBND huyện mà trực tiếp ông Nguyễn Quang Sáng – Bí thư Huyện ủy cùng một số lãnh đạo các phòng ban của huyện đã xuống xã họp với Thường vụ và thống nhất tiến hành đầu giai đoạn hai của sân vận động và các hạng mục nói trên.
Cũng theo ông Ly, việc xây dựng nhà thi đấu tennis và sân bóng rổ hiện nay là chưa cần thiết. Xã đã đề nghị được sử dụng tiền đấu giá đất để xây dựng các công trình phúc lợi phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong xã như: Kiên cố giao thông, xây dựng công trình nước sinh hoạt, cấp thiết nhất hiện nay là công trình nước sinh hoạt. Hàng chục hộ dân bản Mường Nhé đã đề nghị xây dựng công trình nước sinh hoạt, vậy mà đã sắp qua 2 nhiệm kỳ vẫn chưa được đầu tư…
Anh Lò Văn Thanh, trưởng bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé tâm sự: "Bản có một nhóm hộ với khoảng 50 nhân khẩu, hiện chưa được đầu tư công trình nước sinh hoạt, hiện tại bà con phải tự đào giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mùa khô nguồn nước khan hiếm, nhiều hộ phải lấy nước ở các khe suối về sử dụng. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện trước và sau các kỳ họp Hội đồng, nhân dân đều bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt cho nhân dân. Vậy mà nhiều lần ghi nhận ý kiến của cử tri rồi đến nay vẫn chưa có".
Xã nghèo "chơi" sang
Sự việc xã nghèo Mường Nhé chi bạc tỷ để xây dựng nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ trong điều kiện đời sống sinh hoạt của người dân còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn đã khiến dư luận rất bức xúc khi trên địa bàn xã cũng đã được đầu tư một sân tennis mới cách đây vài năm và người chơi môn thể thao này không ai khác ngoài các đồng chí lãnh đạo huyện và doanh nghiệp.
Công trình đang được nhà thầu khẩn trương thi công. |
Theo quyết định đầu tư, việc xây dựng nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ, nhằm phục vụ nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao cho nhân dân các dân tộc trong huyện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, củng cố tình đoàn kết là mục tiêu tốt đẹp của dự án. Nhưng nếu để mang ra tính toán nên đầu tư gì ở một địa phương có trên 42% hộ nghèo như xã Mường Nhé và hàng nghìn hộ dân của huyện Mường Nhé thì chỉ cần "soi" vào một chỉ tiêu là xóa nhà tạm, đảm bảo tiêu chí 3 cứng, trị giá khoảng trên dưới 50 triệu đồng/1 căn nhà, thì số tiền hơn 6,5 tỷ đồng đầu tư nhà thi đấu tennis, sân bóng rổ nếu triển khai hỗ trợ làm nhà thì huyện Mường Nhé sẽ xóa được khoảng 1.300 căn nhà tạm cho hộ nghèo.
Có thể thấy, công trình đầu tư không đáp ứng đúng nguyện vọng người dân nhưng vẫn được lãnh đạo "điềm nhiên" cho triển khai, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Thiết nghĩ tỉnh Điện Biên cần xem xét trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ huyện Mường Nhé về sự việc này.
(Còn nữa...)