"Vua tôm'' Minh Phú lên tiếng việc bị cáo buộc trốn thuế bán phá giá

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị một nghị sĩ Mỹ cáo buộc có liên quan đến hoạt động trốn thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ.
CEO Group bị xử lý vi phạm về thuế hơn 2,8 tỷ đồng Truy thu thuế Unilever: Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước 'vênh' nhau Giữ nguyên mức tính thuế, doanh nghiệp chậm nộp bị tính lãi 0,03%/ngày

Liên quan đến cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, ngày 5/6, doanh nghiệp này mới nhận được thông tin về việc Ngài Darin LaHood, Nghị sỹ Mỹ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Minh Phú.

Theo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tới thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ CBP hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên và hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của tập đoàn vẫn tiến hành thông quan bình thường.

vua tom minh phu len tieng viec bi cao buoc tron thue ban pha gia
Ảnh minh họa.

Theo như tư vấn từ Luật sư của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Mỹ, sau khi CBP nhận được các yêu cầu, cáo buộc từ các bên liên quan hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi Hành năm 2015 của Mỹ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ ra thông báo về kết luận chỉ sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định.

"Như vậy, bức thư nói trên của Ngài Nghị sỹ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định hay kết luận của cơ quan nhà nước về vấn đề này. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hay thông báo nào từ CBP cho thấy CBP đã quyết định khởi xướng điều tra", Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết.

Về vấn đề sử dụng tôm nhập khẩu, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú không phủ nhận việc có nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.

''Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú. Cần lưu ý rằng, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào'', Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết.

Cũng theo doanh nghiệp này, dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì tập đoàn vẫn khẳng định luôn tuân thủ pháp luật Mỹ, cũng như quy định của WTO và sử dụng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ không phải vì mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ.

"Tập đoàn chỉ nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để đáp ứng sự gia tăng trong nhu cầu tôm chế biến từ các thị trường khác ngoài Mỹ và ổn định đời sống cho người lao động trong những thời điểm nguồn cung trong nước thiếu hụt. Trong mọi trường hợp, Minh Phú luôn thực thi hệ thống kiểm soát hiệu quả nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ sản phẩm. Do vậy, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tin rằng bất kỳ cuộc điều tra nào của CBP sẽ chỉ dẫn tới kết luận là Minh Phú hoàn toàn không vi phạm pháp luật Mỹ. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, Minh Phú luôn có nguồn cung ứng tôm nguyên liệu phong phú và việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn độ sẽ không gây ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của chúng tôi", doanh nghiệp khẳng định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động