Vụ phóng viên Tạp chí Thương trường bị đánh: Cần đưa kẻ chủ mưu ra ánh sáng!
Vụ việc phóng viên N.D.T của Tạp chí Thương trường bị hành hung trên đường tác nghiệp hồi cuối tháng 2/2019 được dư luận và báo chí hết sức quan tâm. Phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật theo sát tiến trình điều tra vụ việc từ khi xảy ra tới ngày 20/03/2019, Viện KSND quận Cầu Giấy đã phê chuẩn quyết định khởi tố đối với 03 bị can là: Trịnh Hồng Phương (53 tuổi), Đỗ Quang Hiển (33 tuổi), cùng trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội và Trịnh Khắc Cương (36 tuổi), thường trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội về hành vi “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
VKSND quận Cầu Giấy phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan Cảnh sát điều tra - CA quận Cầu Giấy đối với đối tượng Trịnh Khắc Cương
Mới đây, Tuổi trẻ và Pháp luật có buổi trao đổi với Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về mức án mà các bị can có thể được nhận.
Cụ thể, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được nói tới tại điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Luật sư Diện đánh giá, quá trình điều tra, truy tố và xét xử, 3 bị can có thể bị khép vào khung hình phạt nặng hơn theo quy định của Điều 134 như: có tổ chức, dùng hung khí nguy hiểm, phạm tội 2 lần trở lên, có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm hay đối với người đang thi hành công vụ…
Ô tô của bị can Trịnh Khắc Cương dùng để ép xe nạn nhân ngã xuống đường được xác định là tang vật trong vụ án
Để xác định đúng, đủ, kịp thời hành vi phạm tội của các bị can, từ đó đưa ra khung hình phạt xác đáng nhất, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra về động cơ, cách thức thực hiện hành vi và tiểu sử của cả 3 bị can Phương, Hiển và Cương. Đặc biệt, việc điều tra nhất định phải trên quan điểm không bỏ lọt tội phạm. Nếu có dấu hiệu của việc chống lưng để người phạm tội chưa được đưa ra ánh sáng thì không thể nhượng bộ.
Xét thấy hành vi phạm tội của các bị can là có tổ chức, cần ngay lập tức thu thập chứng cứ, vạch trần mục đích thật sự (động cơ gây án) của hành vi, xử lý nghiêm minh đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu. Quá trình điều tra và khởi tố nhanh chóng các bị can là vô cùng cần thiết trong việc gấp rút nhằm loại trừ, ngăn chặn mối nguy hiểm cho xã hội.
Theo luật sư Diện, mặc dù vấn đề phóng viên gặp nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp không lạ, người làm báo dường như coi đó là một thách thức tất yếu của nghề nghiệp. Thế nhưng hành vi của các bị can tác động không nhỏ tới tâm lý và nhiệt huyết của đội ngũ phóng viên. Phóng viên liệu có thể tiếp tục khách quan, công tâm tác nghiệp khi chính bản thân lại là nạn nhân của các thế lực trong mảng tối, góc khuất của xã hội?
Luật sư Diện cũng bày tỏ quan điểm, để bảo vệ cũng như phát huy tốt nhất vai trò, chức năng của những người làm báo, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe với những đối tượng có chủ đích dùng bạo lực để ngăn cản phóng viên thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, tạo một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh hơn cho phóng viên.
Phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật trong buổi làm việc tại Viện KSND quận Cầu Giấy vào sáng ngày 21/3
Trước đó tại buổi làm việc với phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật, Đội Cảnh sát Hình sự quận Cầu Giấy cho biết, thời điểm phóng viên N.D.T bị đánh là khi vừa xong buổi làm việc với Công ty TNHH Đông Y Gia truyền Tiến Hạnh (Công ty Tiến Hạnh) - toà nhà Golden Field, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để làm việc theo sự phân công của ban biên tập.
Đáng nói, theo cơ quan điều tra, vợ của bị can Trịnh Khắc Cương (một trong 3 bị can) là chị N đang làm việc tại Công ty Tiến Hạnh. Khi đối tượng Cương tới Công ty Tiến Hạnh gặp vợ, chị N có bảo với Cương rằng vừa có 2 phóng viên tới làm việc. Đối tượng Cương nói với vợ sẽ đuổi theo phóng viên để "nói chuyện". Tuy nhiên cách "nói chuyện" của đối tượng là ép xe các phóng viên rồi cùng đồng bọn lao vào hành hung.
Theo lời của phóng viên N.D.T thì 3 đối tượng đi trên xe ô tô Kia màu đen, BKS 30A-665.44 sau khi ép xe máy khiến nạn nhân ngã xuống đường liền từ trên ôtô lao vào đánh liên tiếp vào vùng đầu, cổ, vai và cánh tay của phóng viên T. Bị đánh bất ngờ, phóng viên T chỉ có thể ôm đầu chịu trận. Không dừng lại ở đó, các đối tượng tiếp tục dùng hung khí (thanh sắt dài khoảng 50 cm), vụt mạnh vào bả vai bên trái và vùng đầu nạn nhân.
Phóng viên T cho biết, trước khi bị tấn công, giữa 3 đối tượng và nạn nhân chưa từng xảy ra xích mích, tranh cãi về va chạm giao thông. Chiếc xe dùng để tấn công phóng viên T cũng được xác định là của bị can Trịnh Khắc Cương.
Những bài viết Tạp chí Thương trường đăng tải về Công ty Tiến Hạnh
Qua tìm hiểu, trước đó Tạp chí Thương Trường đã đăng tải 3 bài viết liên quan đến Công ty Tiến Hạnh, phản ánh về nguồn gốc sản phẩm mang thương hiệu đông y “gia truyền” này.
Theo lãnh đạo Tạp chí Thương Trường, tác giả của loạt bài viết cũng từng bị một người tự xưng là đại diện pháp lý của Công ty Tiến Hạnh gọi điện đe dọa hành hung.