Vụ phá rừng phòng hộ làm đường ở Điện Biên: Ai đã bật “đèn xanh” cho sai phạm?

Dự án nâng cấp đường vào khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ dù chưa được Chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nhưng đơn vị thi công đã “gấp rút” “trảm”, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ và đổ thải sai quy định.
Điện Biên: Công ty Huy Hoàng phá rừng làm đường, sai phạm đã rõ sao chậm xử lý? Doanh nghiệp ngang nhiên “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Điện Biên để làm đường Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng làm đường, người dân dài cổ chờ tái định cư

Dự án nâng cấp đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên) thuộc dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng” tỉnh Ðiện Biên (gọi tắt là “Dự án đường Tà Lèng – Mường Phăng”) do Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có quy mô đường giao thông cấp V miền núi, tổng chiều dài 17,469km; xây dựng mới 2 điểm dừng chân và cải tạo, nâng cấp Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng.

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham

Dự án đi qua địa phận 3 xã: Tà Lèng (nay là Thanh Minh), Pá Khoang và Mường Phăng TP Ðiện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh dự án là 170 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án, nhằm mang lại nhiều lợi ích cho phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, dự án nào thì cũng cần minh bạch về cách làm và khép kín thủ tục, hồ sơ pháp lí… Dự án vì dân thì không thể để dân khiếu kiện, cấp xã phường chạy theo “xử kiện” nhưng không giải quyết được cái “gốc” của vấn đề, chỉ vì dự án thuộc quyền quản lý của “cấp trên”.

Đến nay, Dự án mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng đơn vị thi công cơ bản đã phá xong rừng phòng hộ, mặc cho người dân và chính quyền xã Thanh Minh, cơ quan chức năng TP Điên Biên Phủ ra sức ngăn chặn. Việc làm trên của phía đơn vị thi công thể hiện sự coi thường pháp luật, phản ánh sự yếu kém, thiếu quyết liệt trong công tác điều hành, triển khai dự án của tỉnh Điện Biên. Vì thời gian để thực hiện một dự án không phải chuyện của ngày một, ngày hai… mà được hình thành từ rất lâu rồi.

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham
Cây rừng bị đốn hạ có đường kính từ 10-22cm, cao từ 7-15m

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng phá rừng phòng hộ, đổ thải sai quy định, ảnh hưởng đến nhà ở của 12 hộ dân và nhiều diện tích đất cấy lúa nước 2 vụ của người dân xã (Tà Lèng cũ) nay là xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ. PV đã kịp thời phản ánh, đồng thời đặt lịch phỏng vấn UBND tỉnh Điện Biên với nội dung: “Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho ý kiến về việc dự án đường Tà Lèng – Mường Phăng, ảnh hưởng đến các hộ dân của bản Nà Nghè và vi phạm vào rừng phòng hộ?

Trước đó, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công văn số 464/UBND-KTN, về việc trả lời nội dung đề nghị của PV và giao cho 5 sở, ngành gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND TP Điện Biên Phủ chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của báo và tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho các báo trung ương, địa phương trên địa bàn trước ngày 10/3/2020.

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham
Nhà ông Cương bị đất vùi lấp sâu hơn 40cm

Nội dung UBND tỉnh Điện Biên trả lời PV xoay quanh dự án này hiện đang còn vướng mắc.

“…Dự án triển khai có 11 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 3 bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang giao cho UBND xã Thanh Minh và Trung tâm Phát triển quỹ đất, thuộc Sở TN&MT lên phương án hỗ trợ đền bù gấp 2 lần so với quy định. Nguồn tiền do đơn vị thi công hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 hộ chưa đồng thuận. Riêng 3 hộ bị ảnh hưởng nặng tỉnh này đã lập bổ sung vào phương án đền bù GPMB giai đoạn 1, hiện đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ...”

Được biết, Dự án đường Tà Lèng – Mường Phăng có Kế hoạch Bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận số 694/GXN-STNMT, ngày 31/8/2018 và hồ sơ thiết kế được phê duyệt, chỉ đạo tư vấn giám sát.

Tuy nhiên, việc đổ thải của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng đã không đúng so với Kế hoạch Bảo vệ môi trường trước đó; hơn 4ha diện tích ruộng cấy lúa nước 2 vụ của người dân bản Nà Nghè không thể gieo cấy, do đất, đá vùi lấp và gần 40ha lúa trước nguy cơ bị bồi lấp từ lượng đất, đá đổ thải xuống suối Nậm Phạ. Ngoài ra, khoảng hơn 2ha diện tích thủy sản không thể tiếp tục chăn nuôi do sặc bùn đất. Với trăm hàng nghìn m3 đất, đá mà đơn vị mở đường san gạt thẳng xuống taluy âm và xả thẳng xuống suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân 3 bản Nà Nghè, Kê Nênh và Tà Lèng.

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham

Trên suốt tuyến đường dài hơn 1km đang thi công dễ dàng quan sát thấy các điểm đất, đá thải tràn xuống triền núi, chảy thẳng xuống suối. Nhiều điểm suối bị bồi lấp hơn 2/3 diện tích lòng suối Nậm Phạ và kéo dài cả trăm mét, thậm chí có những đoạn lòng suối bị thu hẹp chỉ còn chưa đầy 1m.

Ông Quàng Văn Khụt, bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, bức xúc: Hiện nay, đơn vị thi công đổ rất nhiều đất, đá xuống triền núi và suối Nậm Phạ, nhiều chân ruộng ở vị trí thấp có nguy cơ bị bùn đất vùi lấp. Suối Nậm Phạ nằm trên địa hình dốc, hàng năm cứ mưa to là có lũ ống, nếu dòng chảy của suối Nậm Phạ bị “bóp” nghẽn như thế này thì hệ quả sẽ khó lường...

Một vấn đề nữa cũng nằm trong nội dung trả lời PV của UBND tỉnh Điện Biên (do Sở Thông tin và Truyền thông, tổng hợp ban hành) thì Dự án tuyến đường Tà Lèng – Mường Phăng: Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, liên ngành đã tổ chức “kiểm tra thực tế thi công phần mở rộng mặt đường ở một số vị trí tuyến đường cắt cua và phần lề đường được mở rộng theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi, đã lấy vào từ 0,5m -:- 1,5 m nằm trong diện tích đất quy hoạch là rừng sản xuất, rừng phòng hộ; nhưng không có cây rừng, mà chủ yếu là cỏ tranh, cỏ lau, cây chít, cây bụi, cây dây leo” - Trích văn bản”.

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham
Biên bản làm việc của Hạt Kiểm lâm TP Điện Biên

Nhưng trước đó, ngày 12/12/2019, UBND xã Tà Lèng (nay là xã Thanh Minh), TP Điện Biên Phủ, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Biên cùng công chức địa chính xã phối hợp với Hạt kiểm lâm TP Điện Biên Phủ, tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trạng san ủi đất rừng trái pháp luật thuộc tiểu khu 717C; khoảnh 3; lô 3 thuộc bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên).

Hiện trạng phá rừng sau khi kiểm đếm, chủ yếu là cây gỗ có đường kính từ 10-22cm, chiều cao từ 7-15m, gồm các loài cây: Vối thuốc, Giẻ, Thành Ngạnh, Xoan, Ba Soi… đã bị Doanh nghiệp chặt phá, san gạt, lấp để làm đường. Tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, phía đơn vị thi công không cung cấp được bất kỳ giấy tờ, thủ tục, hồ sơ của cấp có thẩm quyền cho phép việc san ủi và mở đường. Đơn vị thi công cũng không ký vào biên bản làm việc, với lý do Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng không cho ký biên bản.

Mặc dù các ngành chức năng của TP Điện Biên Phủ đã nhiều lần lập biên bản tạm dừng và yêu cầu khắc phục sự cố nhưng đơn vị này vẫn “tranh thủ” làm vì “tiến độ”. Điều đó cho thấy, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng coi thường luật pháp; không hiểu nhờ thế lực nào mà đơn vị này đã trở nên ngoan cố?

vu pha rung phong ho lam duong o dien bien ai da bat den xanh cho sai pham
Quyết định của UBND xã Tà Lèng

Đối với nội dung chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, nhiệm vụ trọng tâm của dự án, đến nay UBND tỉnh mới có văn bản số 3309/UBND-KTN, ngày 12/11/2019, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 270/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 16/01/2020 về chuyển đổi mục đích sử dựng rừng sang mục đích khác. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trình Chính phủ duyệt theo quy định.

Như vậy, Dự án tuyến đường Tà Làng – Mường Phăng mới đang làm thủ tục xin ý kiến các Bộ ngành, trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện dự án. Nghĩa là, dự án được thực hiện theo phương trâm “tiền trảm hậu tấu”.

Việc cố tình bao che những sai phạm của Công ty TNHH Thương Mại và Xây dựng Huy Hoàng của chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Điện Biên khiến dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi? Có hay không việc “tiếp tay”, “bật đèn xanh” của chính quyền để doanh nghiệp này “vô tư” phá rừng làm đường, khi mà diện tích rừng bị phá trong biên bản được chính quyền xã Tà Lèng nay là xã Thanh Minh và Hạt Kiểm lâm TP Điện Biên Phủ lập ngày 12/12/2019 là những cây gỗ có đường kính trung bình từ 10 đến 22cm, thuộc tiểu khu 717C; khoảnh 3; lô 3 thuộc bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên), lại được “phù phép” biến thành cây cỏ lau, cây chít và dây leo?

(Còn nữa…)

Chú thích ảnh

Ảnh 1: Hiện trạng phá rừng làm đường tại tiểu khu 717C; khoảnh 3; lô 3 thuộc bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên).

Ảnh 2: Văn bản trả lời của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên gửi Bào Tài nguyên và Môi trường

Ảnh 3: Quyết định đình chỉ và biên bản vi phạm hành chính của UBND xã Tà Lèng” nay là xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Anh Hiếu - Trần Hương
Phiên bản di động