'Vũ khí' đất hiếm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Phê chuẩn ông Phạm Sao Mai làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc 'Chặn' tôm hùm đất Trung Quốc tràn vào Việt Nam từ biên giới Nhà đầu tư Trung Quốc chuẩn bị xây nhà máy xử lý rác tại TP Bắc Giang |
Ông Tập Cận Bình (giữa, áo sẫm màu) thăm doanh nghiệp đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc ngày 20/5. Ảnh: Xinhua. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/5 thăm một công ty đất hiếm Trung Quốc, tháp tùng ông là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu nỗ lực đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ tuần trước ra lệnh hạn chế hoạt động của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ở thị trường nước này, chuyến thăm của ông Tập được cho là nhằm thể hiện Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả Washington.
Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí. "Đất hiếm không chỉ là tài nguyên chiến lược quan trọng, mà còn là tài nguyên không thể tái tạo", ông Tập nói.
"Chuyến thị sát của ông Tập không phải là ngẫu nhiên", Li Mingjiang, chuyên gia từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, nói. "Rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét khả năng sử dụng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm làm vũ khí chống lại Mỹ".
Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới và 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc. "Trung Quốc có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ôtô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ ra lệnh cấm vận loại vật liệu này", James Kennedy, chủ tịch công ty tư vấn ThREE Consulting, viết.
Một người làm việc trên mỏ đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc tháng 10/2010. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm để làm đòn bẩy chính trị. Một số công ty Nhật cho biết Trung Quốc năm 2010 cắt giảm xuất khẩu đất hiếm khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật gia tăng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
Năm 2014, Tổ chức Thương mại Thế giới kết luận Trung Quốc đã vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu với việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu để giúp các công ty công nghệ của họ có lợi thế hơn đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc giải thích rằng thiệt hại môi trường do khai thác và việc cần đảm bảo nguồn cung bền vững là lý do họ hạn chế sản lượng.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng chần chừ dùng đất hiếm làm công cụ trả đũa Mỹ vì sợ "tự bắn vào chân mình". Kokichiro Mio tại Viện nghiên cứu NLI, cho rằng nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng đất hiếm lớn. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có 120 triệu tấn đất hiếm toàn cầu, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.
Trung Quốc là bên sản xuất đất hiếm hàng đầu một phần vì rủi ro môi trường khiến các nước khác e dè khai thác. Việc khai thác đất hiếm tạo ra chất thải độc hại và có nguy cơ thải ra chất phóng xạ.
Mio cho rằng Trung Quốc chỉ đang gửi đi thông điệp đe dọa chứ sẽ không ra lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Nếu Trung Quốc làm vậy thì "Mỹ sẽ gặp rắc rối trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng ít khả năng Trung Quốc muốn đổ thêm dầu vào lửa", Mio nói.
Li đánh giá nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, động thái đó sẽ khiến căng thẳng tăng mạnh và Bắc Kinh không muốn điều đó.
"Sự khác biệt là Mỹ nhắm mục tiêu vào các công ty cụ thể của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhắm vào nước Mỹ chứ không phải doanh nghiệp cụ thể, Mỹ và thế giới sẽ coi đó là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại", ông nói.