Vợ chồng đại gia Đường Nhuệ bị bắt, đối diện hình phạt nào?

Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý xung quanh vụ việc vợ chồng đại gia Thái Bình bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.
Truy nã “Đường Nhuệ” – chồng nữ đại gia bất động sản Thái Bình Khởi tố vợ chồng đại gia bất động sản Dương Đường ở Thái Bình Chồng nữ đại gia Dương Đường vừa bị tạm giam từng “thoát ngoạn mục” hành vi đánh phụ nữ

Như đã thông tin, ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam vợ Đường "Nhuệ" là doanh nhân bất động sản Nguyễn Thị Dương (SN 1980, trú tại tổ 22, phường Kỳ Bá, TPThái Bình) cùng hai người khác.

Vào thời điểm đó, Đường "Nhuệ" vắng mặt tại địa phương.

Vợ chồng đại gia Đường Nhuệ bị bắt, đối diện hình phạt nào?

Vợ chồng đại gia Đường "Nhuệ" bị bắt để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 9/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích", tuy nhiên Đường "Nhuệ" đã bỏ trốn.

Đến tối 10/4, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt được bị can Nguyễn Xuân Đường khi đối tượng có lệnh truy nã này lẩn trốn tại tỉnh Hà Nam.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo thông tin từ cơ quan chức năng, ông Đường là người đã gọi điện yêu cầu nạn nhân đến nhà, sau đó vợ và 2 người khác đánh đập dẫn đến thương tích với tỉ lệ thương tích 14%.

Như vậy đây là hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người đã gây thương tích cho nạn nhân nói trên là có căn cứ.

Đối với tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật hình, các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.

Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, khi bị Toà án kết tội có thể phải chịu mức án cao nhất là 6 năm tù.

Luật sư Cường phân tích, sau khi khởi tố, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của những người có liên quan, làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi của các đối tượng đã hành hung gây thương tích cho nạn nhân, từ đó có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Trong vụ án này, có tình tiết nạn nhân phải đến tận nhà của bị can để giải thích và bị nhiều người đánh đập.

Đây là yếu tố cơ quan điều tra cần làm rõ xem còn có đồng phạm khác hay không, có dấu hiệu của việc bắt giữ người trái pháp luật hay không để giải quyết vụ án một cách triệt để.

Đối với hành vi của ông Đường, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy ông Đường là người đã gọi điện để nạn nhân đến nhà, sau đó chứng kiến vợ và những người khác đánh đập nạn nhân trước mà không can ngăn thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò, chủ ý của ông Đường đối với vụ việc này.

Trong tình huống như vậy, Cơ quan điều tra sẽ xác định ông Đường có vai trò đồng phạm hay không, vì cùng cố ý thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân.

Còn trong trường hợp ông Đường là người gọi nạn nhân đến để hỏi rõ sự việc nhưng không chứng kiến việc người khác đánh đập nạn nhân hoặc có chứng kiến, có hành động can ngăn sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc gửi hàng đó như thế nào, hàng hóa gì, nguyên nhân, động cơ của sự việc và hành vi gây thương tích của các đối tượng, xác định vai trò của các đối tượng trong việc đồng phạm để phân hóa và có căn cứ để tòa án áp dụng hình phạt.

Với những người chủ mưu cầm đầu, sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Còn với người đồng phạm giúp sức, xúi giục thì tính chất, vai trò thứ yếu hình phạt sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, theo vị luật sư, nạn nhân trong vụ án này cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại; thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần.

Trong trường hợp không thỏa thuận được với mức bồi thường thì có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết. Việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can.

Trả lời câu hỏi, việc Đường “Nhuệ” bỏ trốn có phải là tình tiết tăng nặng, luật sư Cường phân tích, pháp luật hình sự Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Đồng thời, quy định việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Việc trốn tránh, cản trở hoạt động điều tra sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam và sẽ bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không quy định việc bỏ trốn, bị truy nã là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Nguồn: danviet
danviet.vn
Phiên bản di động