Vĩnh Phúc đón nhận quyết định công nhận lễ hội đền Ngự Dội là văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, trong đó chính hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.
vinh phuc don nhan quyet dinh cong nhan le hoi den ngu doi la van hoa phi vat the quoc gia

Sáng ngày 16/3, tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, UBND huyện Vĩnh Tường tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận lễ hội đền Ngự Dội là văn hóa phi vật thể quốc gia và khánh thành cụm di tích đền Ngự Dội.

Ông Lê Chí Thái, PCT UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Đền Ngự Dội, được khởi dựng lâu đời trên cánh bãi La Phiên xưa, nay thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Đây là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh- vị thần đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian người Việt. Trải qua thời gian với nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, đền Ngự Dội vẫn được nhân dân quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy tốt giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Thực tế, có một thời, đền Ngự Dội chỉ được lợp bằng tranh, tre, nứa lá, nhưng không một lúc nào nén hương thơm không tỏa ngát trên bát hương thờ phụng đức Thánh Tản Viên Sơn.

Ông Nguyễn Văn Trì Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao công nhân Lễ hội đền Ngự Dội là văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Vĩnh Tường

Ông Nguyễn Văn Trì Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao công nhân Lễ hội đền Ngự Dội là văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Vĩnh Tường

Đền Ngự Dội xưa kia gọi là Quán Dội được làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đền Ngự Dội đã được tu bổ, tôn tạo qua nhiều lần: Năm 1989, nhân dân đóng góp công sức, vật tư, xây dựng mới 3 gian hậu cung; năm 1992 xây 3 gian đại bái và cổng phụ vào đền; năm 1994 xây tường bao loan; năm 1995 xây cổng Tam quan có chạm nổi voi chầu và rước tượng Thánh vào đền. Theo thời gian, di tích đền Ngự Dội bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Mặt khác, các hạng mục các hạng mục của đền còn chật hẹp cần được tu bổ, tôn tạo, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng. Được sự quan tâm chỉ đạo của các, các ngành trong tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường và xã Vĩnh Ninh, sự phát tâm công đức của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Phúc Sơn đền Ngự Dội đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, bề thế trong một khuôn viên rộng, rất thoáng mát, thanh tịnh.

Công trình tu bổ, tôn tạo đền Ngự Dội bắt đầu được khởi công 2017. Với quyết tâm cao độ cho đến nay, công trình đã được hoàn thành và đang hiện hữu trước mặt các vị đại biểu và toàn thể nhân dân toàn cảnh quần thể đền Ngự Dội rất khang trang, bề thế, thâm nghiêm, sâu nắng nay là di tích lịch sử, văn hóa để tỏ lòng tri ân, tôn kính đến những người có công đức cao dày với người dân làng và qua đó cũng để nguyện cầu cho nhà nước ấm no và hạnh phúc.

Đại biểu cắt băng khánh thành cụm di tích đền Ngự Dội

Đại biểu cắt băng khánh thành cụm di tích đền Ngự Dội

Lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, trong đó chính hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc, còn lưu giữ được các nghi thức, nghi lễ gắn liền với sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội được hình thành trên cơ sở huyền thoại về Tản Viên Sơn Thánh, một trong Tứ bất tử, người được coi là ông tổ của nông nghiệp Việt Nam.

Theo truyền thống, lễ Mộc dục (Lễ tắm tượng thần hay thần vị) và lễ Tiến đốn tại đền Ngự Dội (lễ chính) được tiến hành 3 năm một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão và Dậu trong vòng một giáp (12 năm). Tám năm còn lại trong giáp, cứ vào giờ Mùi ngày 14 tháng Giêng hàng năm, từ đền Ngự Dội, nhân dân rước kiệu ra sân để thu thuỷ. Chiếc thuyền rước chóe và cờ lệnh vượt qua dòng nước đôi sông Hồng theo hiệu cờ lệnh. Thật lạ kỳ, trong tiết trời mùa xuân lộng gió, cờ tự nhiên rủ xuống rồi bất thần phần phật tung bay. Khi ấy, thuyền mới được đảo 3 vòng rồi thu nước rước về.

Theo lời của người dân địa phương: Bất luận thời tiết thế nào, giờ Mão, sáng rằm tháng Giêng của những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu bao giờ cũng có một đợt gió mạnh từ non Tản thổi thẳng vào cửa Ngự Dội. Và ngày rằm tháng Giêng của năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhân dân thập phương nô nức về đền Ngự Dội để cử hành lễ Mộc Dục và lễ Tiến đốn. Lễ Tiến đốn bằng một con lợn sống, được mổ sạch sẽ, để lại một chòm lông gáy, mỡ chài phủ kín và cơi trầu không vào vôi để dâng lên Đức Ngài.

Hà An
Phiên bản di động