Vietnam Airlines đối mặt nỗi lo “chảy máu” phi công

Đại diện Vietnam Airlines thừa nhận đang xuất hiện tình trạng một đội bay của hãng bay này bị hãng hàng không khác “câu” mất tới 30% nhân sự, gây ảnh hưởng công tác vận hành.
Trách nhiệm khoản lỗ hơn 4.000 tỷ của Jetstar Pacific: Bộ Giao thông lên tiếng Vietnam Airlines mỗi ngày thu về xấp xỉ 290 tỷ đồng Hơn 1,4 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines được lên sàn TP HCM

Theo ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong bối cảnh lao động kỹ thuật cao như phi công, kỹ sư máy bay đang thiếu hụt, một số nhân tố mới gia nhập thị trường vận tải hàng không chỉ cần bỏ ra số tiền cao là thu hút được những nhân lực có tay nghề mà hãng phải mất 7-8 năm đào tạo với chi phí lớn.

Ngay tại Vietnam Airlines hiện nay, chế độ bảo hiểm sức khỏe cho phi công áp dụng 100 triệu đồng/người/năm; Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là 300 triệu đồng/người/năm và mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Trung bình, phi công Việt nhận 150 triệu đồng/người/tháng.

vietnam airlines doi mat noi lo chay mau phi cong
Tàu bay của Vietnam Airlines.

Ông Thành cho biết, so với mặt bằng chung, đây là mức thu nhập "đáng mơ ước" nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các phi công có nhu cầu lớn hơn và Vietnam Airlines hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, Vietnam Airlines mặc dù đã là công ty cổ phần nhưng bản chất vẫn hoạt động theo các quy định của doanh nghiệp nhà nước.

Cho đến nay, tổng quỹ lương mà trong đó từ lao động đặc thù cho đến lao động thông thường đều phải áp theo chính sách. Kể cả trong trường hợp công ty có năng lực tài chính nhưng cũng không thể linh hoạt tăng lương cho anh em để đảm bảo nguồn lực. Từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines đang phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, "kéo" phi công của hãng này.

Theo ông Thành, trong giai đoạn đầu phát triển, Vietnam Airlines có thể coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung. Thế nhưng việc bị "kéo" tới 30% của một đội bay thì trở thành bất hợp lý, bởi việc đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kỹ sư bài bản mất rất nhiều thời gian và tiền của nên không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy.

Do đó, đại diện Vietnam Airlines kiến nghị các bộ, ban ngành có những quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động và các bộ luật chuyên ngành, căn cứ vào những ngành nghề cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đơn cử như quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...

Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.

Liên quan đến việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đang có tình trạng chảy máu chất xám ở một số doanh nghiệp lớn sau khi đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao (có tình trạng liên quan đến phi công) và đề nghị các bộ ngành nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó cần bài toán đào tạo lâu dài.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt với tổng lượt khách quốc tế ước đạt 8,6 triệu lượt, tăng 13,2% so với cùng kỳ và tổng lượt khách nội địa ước đạt 8,7 triệu lượt, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Cùng với tỷ giá ngoại tệ ổn định và giá nhiên liệu ở mức thấp hơn so với dự báo, đây là những điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt được kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật trong quý I/2019.

Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 19.346 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kỳ và 1.224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Đến hết quý I/2019, các chỉ số tài chính được cải thiện tích cực, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã xuống mức 2,41 lần, thấp hơn so với thời điểm đầu năm là 2,58 lần nhờ đảm bảo cân đối dòng tiền và kế hoạch thanh toán hiệu quả.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2019, Vietnam Airlines đã thực hiện thành công gần 33.500 chuyến bay, tăng 2% so với cùng kỳ và vận chuyển an toàn hơn 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 2,5% so với quý I/2018. Thị phần của Vietnam Airlines và các hãng hàng không thành viên được duy trì ổn định, trong đó thị phần nội địa đạt trên 52%.

Tính đến hết ngày 31/3/2019, tổng số lao động của Vietnam Airlines là 6.468 người, giảm 7% so với cùng kỳ. Nhờ việc tái cơ cấu đội ngũ lao động và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực hiện có, năng suất lao động của hãng trong quý I/2019 đạt hơn 1,8 triệu ghế.km/lao động, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật xác nhận Bộ này đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng các phi công của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho Bamboo. Hiện nay, chúng tôi đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không. Nhưng thực chất đây là một quy luật của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, Bộ đang kiểm tra vấn đề này và sẽ sớm có kết quả.
Hậu Lộc
Phiên bản di động