Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chuẩn bị thăm Việt Nam Việt Nam - Singapore khởi công, chấp thuận đầu tư 5 dự án VSIP mới Việt Nam và Singapore xem xét nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện |
Điều quan trọng là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong năm 2023 phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.
Trang Portfolio-adviser.com (Anh) đăng bài viết nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á. Động lực tăng trưởng nổi bật nhất đối với Việt Nam được cho là mức tăng mạnh trong FDI nhờ xuất khẩu gia tăng. Việt Nam đang chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn, chú trọng sản xuất hàng điện tử nhiều hơn so với hàng dệt may
Tờ The Business Times của Singapore cũng cho rằng trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là điểm đến của các cơ sở sản xuất chi phí thấp và lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ và khu vực tư nhân đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút nhân tài trong nỗ lực không ngừng để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ khu vực. Điều này đã thu hút sự chú ý của hàng loạt “gã khổng lồ” về công nghệ trên toàn cầu và nhiều tập đoàn đã tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm
Mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam cũng đối mặt với những vấn đề nội tại như sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Tuy nhiên, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược.
Với những nhận định trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng.
Các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023 (Ảnh: Bloomberg) |
Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Cùng chung nhận định đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng 7% trong nửa cuối năm.
Việt Nam có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao nhờ kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa; Lượng khách du lịch liên tục phục hồi sẽ hỗ trợ cán cân dịch vụ; Nỗ lực của Chính phủ và sự cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ là những yếu tố để thúc đẩy dòng vốn đầu tư.
Trong “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ chịu tác động của những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Do đó, chính sách kinh tế vĩ mô trước hết cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong ngắn hạn, ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Trong trung hạn, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi.
Thời khắc chuyển mình
Tờ Financial Times (Anh) đã có bài viết trong đó nhận định sau nhiều thập niên, thời khắc nền kinh tế Việt Nam chuyển mình dường như cuối cùng cũng đã đến.
Bài viết nêu rõ kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Châu Á trong năm 2022 với mức tăng 8% và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Dell, Google, Microsoft và Apple đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam và đang từng bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn như một phần trong chính sách “Trung Quốc +1”.
Tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở thời điểm quyết định.
Tuy nhiên để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố hơn nữa nữa môi trường kinh doanh (Ảnh: Bloomberg) |
Theo Financial Times, trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh.
Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Chính phủ Việt Nam cần phải tận dụng lợi thế tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.
Trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cấu trúc dân số trẻ giúp đem lại nguồn lao động dồi dào nhưng yêu cầu về tay nghề đang ngày càng gia tăng. Hệ thống giáo dục của Việt Nam thuộc top đầu thế giới song cũng cần cải thiện chất lượng đào tạo nghề và giáo dục đại học.
Ngoài ra, theo Financial Times, Việt Nam cần cắt giảm các quy định, thủ tục và nâng cấp cơ sở hạ tầng khi mạng lưới điện đang phải chịu sức ép từ nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng.