Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để bảo tồn rùa, cá cóc

Nhu cầu thú cưng và thực phẩm "độc, lạ" của dân châu Á đang đe dọa một số loài rùa, cá cóc, thạch sùng một mí và cá cóc sần.
viet nam tim kiem su ung ho quoc te de bao ton rua ca coc

Việt Nam vừa đệ trình các đề xuất lên hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ bảo vệ một số loài rùa, cá cóc, thạch sùng một mí và cá cóc sần hiện đang bị đe doạ do nạn buôn bán quốc tế thú cưng tăng cao và đáp ứng thị trường tiêu thụ thực phẩm "độc, lạ" của dân Châu Á. Hội nghị này sẽ diễn ra tại thủ đô Colombo của Sri Lanca từ 23/5 đến 3/6.

Việt Nam đưa ra sáu đề xuất nhằm bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên khỏi vấn nạn nuôi thú cưng và nhu cầu sử dụng thực phẩm" độc lạ", là một tín hiệu cho thấy Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn loài và muốn đóng một vai trò quan trọng cùng các nước khác đấu tranh với nạn buôn lậu các loài hoang dã.

Thạch sùng 1 mí tại Việt Nam

Thạch sùng 1 mí tại Việt Nam

Cụ thể có ba đề xuất đề nghị đưa rùa hộp Việt Nam, rùa Trung Bộ và rùa hộp bua-rê (tên khác là rùa hộp trán vàng) từ phụ lục II sang phụ lục I.

Ba đề xuất chung với Trung Quốc và Liên minh châu Âu đề nghị đưa những loài sau vào phụ lục II của CITES gồm 13 loài thạch sùng, 13 loài cá cóc và nhiều loài cá sần mà hiện là những loài mục tiêu cho trào lưu nuôi thú cưng khởi đầu từ những năm 1990. Nhu cầu này tăng nhanh từ các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đối với các loài hiếm này cộng với lợi nhuận khổng lồ đã và đang tạo ra động lực cho những kẻ săn trộm và đẩy các loài này đến bờ vực tuyệt chủng.

Những loài xếp ở phụ lục II thuộc diện chưa bị nguy cấp nhưng có thể tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.

Theo VNE
Phiên bản di động