Việt Nam nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp trực tuyến về vấn đề chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hàng loạt. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/11 họp trực tuyến nghe báo cáo của ba cơ quan trực thuộc về chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hàng loạt.
Đại sứ Tunisia Tarek Ladeb - Chủ tịch Ủy ban 1373 về chống khủng bố, Đại sứ Indonesia Dian Triansyah Djani - Chủ tịch Ủy ban 1267/1989/2253 về ISIL/Da’esh và Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã báo cáo về công việc của các Ủy ban và Đại sứ Ladeb báo cáo về hợp tác giữa các Ủy ban.
Các báo cáo nhấn mạnh vai trò bổ trợ lẫn nhau của các ủy ban nêu trên, tập trung vào việc thu thập thông tin, tình hình, nguy cơ khủng bố nói chung và nguy cơ khủng bố tiếp cận, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nói riêng, cũng như theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Mặc dù chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các ủy ban và nhóm chuyên gia giúp việc đã có các biện pháp khắc phục như phối hợp tổ chức họp trực tuyến, duy trì kênh thông tin liên lạc, trao đổi thường xuyên với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực và các đối tác Liên hợp quốc khác trong mạng lưới Thỏa thuận điều phối chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc.
Đại sứ Tunisia Ladeb cho biết Ủy ban 1373 đang cân nhắc kết hợp thực hiện chuyến thăm và đánh giá cả trực tuyến và trực tiếp, đẩy mạnh đánh giá trên cơ sở báo cáo quốc gia, cập nhật Hướng dẫn kỹ thuật về thực hiện Nghị quyết 1373 và các nghị quyết liên quan, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các xu hướng nổi lên của chủ nghĩa khủng bố.
Đại sứ Indonesia Djani cho biết trong năm qua, Ủy ban 1267 phối hợp với các nước rà soát, cập nhật Danh sách trừng phạt ISIL/Da’esh, đã đưa thêm 4 cá nhân và 5 tổ chức vào danh sách, đưa 3 cá nhân khỏi danh sách.
Đại sứ Djani cho biết Ủy ban 1540 sẽ thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong thực hiện nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về xu hướng các nhóm khủng bố, bao gồm ISIL, Al-Qaeda, Da’esh, lợi dụng tình hình bất ổn do dịch COVID-19 để gia tăng hoạt động, nhất là tại các khu vực xung đột, tìm cách kích động bạo lực cực đoan, tuyển mộ và gây quỹ.
Các nước đánh giá tốt về sự phối hợp hoạt động giữa các ủy ban, đề nghị các ủy ban và các nhóm chuyên gia tiếp tục tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới và đẩy mạnh hoàn thành chương trình làm việc của các ủy ban, hỗ trợ thực hiện nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và cam kết thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, loại bỏ các điều kiện thuận lợi cho khủng bố, ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, phát triển kinh tế, tăng cường khả năng của các cộng đồng chống lại nguy cơ tuyên truyền bạo lực cực đoan và khủng bố.
Đại sứ đề nghị các ủy ban tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và hỗ trợ kịp thời phòng ngừa, ứng phó với các thách thức mới nổi lên trong lĩnh vực chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các cơ quan trực thuộc do Hội đồng Bảo an thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, có thành viên là chuyên gia của toàn bộ 15 nước thành viên Liên hợp quốc.
Chủ tịch các cơ quan trực thuộc thường do các nước ủy viên không thường trực đảm nhiệm.
Hiện Đại sứ Tunisia là Chủ tịch Ủy ban 1373, Đại sứ Indonesia là Chủ tịch Ủy ban 1267 và Ủy ban 1540.
Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban trừng phạt Nam Sudan, Ủy ban trừng phạt Lebanon và Nhóm công tác không chính thức về các tòa án quốc tế.
Ủy ban 1267/1989/2253 là ủy ban trừng phạt, có chức năng chính trong duy trì danh sách trừng phạt ISIL/Da’esh và các tổ chức, cá nhân liên quan; Ủy ban 1373 có chức năng hỗ trợ, tăng cường năng lực phòng chống khủng bố của các quốc gia; Ủy ban 1540 có chức năng thúc đẩy thực hiện nghị quyết 1540 thông qua đối thoại, hỗ trợ hợp tác giữa các nước, tổ chức trong lĩnh vực phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.