Việt Nam áp thuế chống bán phá giá bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia
Bộ Công thương vừa ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.
Trước đó, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc vào ngày 4/8/2019.
Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan. Ngày 18/3/2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 881/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt.
Ảnh minh họa. |
Sau giai đoạn điều tra sơ bộ, Bộ Công thương tiếp tục thu thập các thông tin nhằm xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các yêu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc và Indonesia cũng như các tác động, ảnh hưởng của sản phẩm bột ngọt đối với ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, trong năm 2019, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc (chiếm khoảng 17,5%).
Kết quả điều tra theo quy định của WTO và Luật quản lý Ngoại thương cho thấy hàng nhập khẩu bán phá giá đang đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Cơ quan điều tra cũng xác minh biên độ phá giá cụ thể của các doanh nghiệp Trung Quốc và Indonesia để đề xuất mức thuế chống bán phá giá tương ứng.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong kết luận điều tra chính thức không thay đổi so với kết luận sơ bộ, ở mức 6.385.289 đồng/tấn.
Bộ Công thương cho biết, do thuế tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt đã hết hạn từ ngày 25/3/2020, việc áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức như vậy là phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời giảm thiểu tác động đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước từ lượng hàng nhập khẩu bán phá giá.
Theo quy định, biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 1933/QĐ-BCT có hiệu lực. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.