Vay nợ trái phiếu với lãi suất "khủng", đế chế Xuân Thiện Group kinh doanh ra sao?

Nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Xuân Thiện Group huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Với lãi suất "cực khủng", các công ty của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện sẽ phải chi ra không ít tiền để trả lãi cho nhà đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu Đề xuất sửa quy định về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp Kiến nghị ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để trả nợ trái phiếu

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) vừa thông báo điều chỉnh lãi suất các lô trái phiếu do nhóm doanh nghiệp thuộc Xuân Thiện Group phát hành.

Theo đó, lãi suất 10 lô trái phiếu có kỳ hạn từ 3 - 10 năm phát hành ngày 25/6/2020 của Công ty Cổ phần Ea Súp 5 cho kỳ thanh toán từ ngày 30/12/2022 - 30/3/2023 là 15,5%/năm.

Tương tự, lãi suất của các trái phiếu Ea Súp 1 do Công ty Cổ phần Ea Súp 1 phát hành và lãi suất của các trái phiếu Ea Súp 3 do Công ty Cổ phần Ea Súp 3 phát hành điều chỉnh thành 15%/năm, hiệu lực từ ngày 26/2/2023 - 25/5/2023.

Bên cạnh đó, lãi suất các trái phiếu Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Xuân Thiện Ninh Thuận điều chỉnh thành 14,5%/năm, hiệu lực từ ngày 28/2/2023 - 27/5/2023. Trước đó, trong kỳ thanh toán lãi thứ 11 (ngày 28/11 - 28/2), lãi suất 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm do Công ty Cổ phần Xuân Thiện Ninh Thuận phát hành năm 2020 là 15%/năm.

Vay nợ trái phiếu với lãi suất
Nhóm công ty của Xuân Thiện Group phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao

Ngoài ra, lãi suất của các lô trái phiếu Xuân Thiện Đắk Lắk do Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk phát hành và lãi suất của các trái phiếu Năng lượng Sơn La do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện phát hành đều điều chỉnh thành 15%/năm, từ ngày 18/2/2023 - 17/5/2023.

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp trên đều là những công ty thuộc hệ sinh thái Xuân Thiện Group. Thời gian qua, các doanh nghiệp này liên tục phát hành trái phiếu với trị giá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án, trong đó mảng năng lượng chiếm lượng lớn.

Được thành lập năm 2000, Xuân Thiện Group là cơ nghiệp riêng của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện (SN 1970), con trai cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình. Ông Thiện cũng là anh trai của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).

Xuân Thiện Group có hệ sinh thái nhiều công ty thành viên, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng xi măng (lĩnh vực truyền thống), nông nghiệp công nghệ cao, khách sạn - du lịch, bất động sản, logistics, giáo dục và đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Xuân Thiện, khu đô thị Xuân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là hạt nhân của Xuân Thiện Group, mặc dù có ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác nhưng lại lấn sân sang nhiều lĩnh vực, nhất là năng lượng.

Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Ea Súp 1, 3, 5 và Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk - những doanh nghiệp có liên quan tới cụm 5 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 600MW, vốn đầu tư hơn 16.500 tỷ đồng.

Vay nợ trái phiếu với lãi suất
Doanh nhân Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Xuân Thiện Group. (Ảnh: Internet)

Cùng với đó, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình cũng là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định, đơn vị phát triển dự án cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định và dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định.

Với vai trò là công ty mẹ của hàng loạt công ty thành viên có vốn lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình những năm gần đây không hề nổi trội, thậm chí còn cho thấy sự sa sút rõ rệt.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu thuần của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (riêng lẻ) có sự thăng giáng rất mạnh, lần lượt ghi nhận ở mức 1.377 tỷ đồng, 573,2 tỷ đồng, 1.491 tỷ đồng, 958,4 tỷ đồng và 1.093 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán lại luôn neo ở mức cao khiến biên lợi nhuận gộp của công ty rất mỏng với 0,038%, 0,12%, 0,04%, 0,05% và 0,04% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Sau khi khấu trừ các chi phí vận hành và thuế, lợi nhuận ròng của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình rất nhỏ, chỉ đạt 412 triệu đồng (năm 2016), 176 triệu đồng (năm 2017), 185 triệu đồng (năm 2018) và 214 triệu đồng (năm 2019) và năm 2020 lỗ 2,6 tỷ đồng.

Năm 2021, các chỉ tiêu kinh doanh chính của công ty đều đi lùi. Cụ thể, doanh thu thuần của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đạt 842 tỷ đồng, lỗ sau thuế 22,6 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2021, công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế 31,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù có quy mô tài sản lên tới hơn 6.400 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình lại vô cùng khiêm tốn. Hồi cuối năm 2021, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ là 2,5 tỷ đồng, giảm 9,3 tỷ đồng, tương đương 78,8% so với hồi đầu năm.

Cơ cấu tài sản của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình tập trung ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 1.476 tỷ đồng, tăng 408 tỷ đồng, tương đương 38,2%; đầu tư tài chính dài hạn tăng mạnh từ 2.204 tỷ đồng lên 3.229 tỷ đồng.

Mặt khác, tại thời điểm ngày 31/12/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình âm 573 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình là 2.930 tỷ đồng (chủ yếu là nợ ngắn hạn), chiếm 45,3% tổng tài sản. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ là 1.681 tỷ đồng, điều này cho thấy, doanh nghiệp có dấu hiệu mất cân đối tài chính, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã có nhiều bài viết mang tính cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó đã thông tin việc có nhiều doanh nghiệp đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhiều đơn vị, thậm chí có vụ việc đã có dấu hiệu hình sự và cơ quan chức năng đã khởi tố như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Thực tế, thời gian qua cũng đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp đã không thể thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Trong đó cũng có nhiều doanh nghiệp lớn về mảng năng lượng tái tạo.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần FiinRatings dự báo thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, FiinRatings cũng kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa khi Nghị định 08 của Chính phủ cho phép gia hạn nợ vừa được thông qua.

Hậu Lộc
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động