Vấn nạn kẹt xe ở Đông Nam Á
Nơi người dân dành 10 năm cuộc đời trên đường vì kẹt xe |
Vấn nạn đau đầu
Cô gái 27 tuổi đi chơi với bạn bè, đến phòng tập thể dục và làm mọi cách để cố trì hoãn thời gian trở về nhà ở vùng ngoại ô phía Nam Jakarta nhằm tránh cảnh tắc đường.
Bất chấp những nỗ lực để tránh tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm, chị Lydia vẫn cần 90 phút để có thể “bò” qua quãng đường 30km len lỏi qua những điểm ùn tắc, mới có thể về đến nhà.
Tắc đường có thể là điều kỳ lạ đối với nhiều du khách đến thủ đô Indonesia hay các thành phố Đông Nam Á khác như Bangkok hay Kuala Lumpur nhưng với người dân bản địa tắc đường là một thói quen “khổ sở” mà họ phải chịu đựng hàng ngày.
Ví dụ như chị Lydia, cô cho biết mình thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm. Tuy nhiên, để đến ga tàu gần nhất cô phải mất 30 phút đi xe ôm. Sau khi đi tàu đến bến gần văn phòng nhất, cô mất thêm 45 phút để đi bus tới nơi làm việc. Tổng cộng thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng nhiều hơn tự lái xe 1 giờ đồng hồ, trong khi chi phí thì như nhau.
“Khi đi phương tiện công cộng, bạn không quá mệt mỏi về tinh thần nhưng nó gây mệt mỏi về thể chất. Bởi vì bạn cần đi bộ, chuyển đổi phương thức di chuyển và tranh giành chỗ ngồi”, chị Lydia tâm sự.
Người dân ở Jakarta mất 214 giờ tham gia giao thông trong giờ cao điểm vào năm ngoái (Ảnh: AFP) |
Dựa trên chỉ số giao thông toàn cầu hàng năm của hãng sản xuất thiết bị công nghệ GPS TomTom, Jakarta (Indonesia) là thành phố tắc nghẽn thứ 29 trong số 390 thành phố được khảo sát vào năm 2022. Thành phố này đứng thứ 9 trên 35 ở Châu Á và thứ hai sau Manila (Philippines) ở Đông Nam Á. Bangkok (Thái Lan) đứng thứ 15 và Kuala Lumpur (Malyasia) thứ 22 trong châu lục.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, tắc nghẽn đường bộ và các vấn đề giao thông công cộng đã trở thành sự bất tiện lớn. “Năng suất của đất nước sẽ bị ảnh hưởng do người lao động lãng phí thời gian để đi làm”, hãng thông tấn Bernama đưa tin lời phát biểu của ông.
Một báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Thế giới về giao thông đô thị ở Malaysia cũng ước tính chỉ riêng ùn tắc giao thông tại Kuala Lumpur đã dẫn đến thiệt hại kinh tế lên tới 2% GDP. Ở Jakarta, tình trạng tắc nghẽn ước tính gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD hàng năm do mất năng suất lao động.
Theo thống kê, người dân ở Jakarta mất 214 giờ tham gia giao thông trong giờ cao điểm vào năm ngoái. Trong khi đó, người dân ở Bangkok mất 192 giờ và Kuala Lumpur là 159 giờ.
Vấn nạn kẹt xe không những gây lãng phí thời gian mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Việc lái xe trong tình trạng giao thông đông đúc, ngột ngạt khiến tài xế căng thẳng và có thể dẫn đến hành vi liều lĩnh, ẩu đả trên đường và gây tai nạn…
Giao thông đông đúc cũng góp phần gây ô nhiễm. Thủ đô Jakarta chỉ có hai ngày trong cả năm 2019 chất lượng không khí được coi là “trong lành”…
Khó giải quyết tận gốc
Có nhiều nguyên nhân khiến các thành phố ở khu vực Đông Nam Á đối mặt nạn tắc đường khó giải quyết. Ở các thành phố trong khu vực Đông Nam Á, sở hữu phương tiện cá nhân ngày càng vượt trội so với số lượng cư dân.
Theo thống kê, Bangkok và khu vực ngoại ô có khoảng 11 triệu dân nhưng sở hữu tới 11,7 triệu phương tiện cơ giới. Với 9 triệu dân nhưng Kuala Lumpur và các khu lân cận sở hữu gần 10 triệu phương tiện. Jakarta và khu vực đại đô thị bao quanh có 20,7 triệu phương tiện trong khi dân số chỉ là 13,5 triệu.
Ông Djoko Setijowarno, chuyên gia của Hiệp hội Giao thông vận tải Indonesia cho biết: “Ngay cả những người không sở hữu nhà cũng có ô tô hoặc xe máy”.
Tình trạng kẹt xe ở Bangkok (Ảnh: Bangkok post) |
Giá xe hơi ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhìn chung khá rẻ, đồng thời không có hạn chế sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân. Diện tích đỗ xe giá rẻ quá nhiều cũng khuyến khích người dân lái xe, khiến tắc đường càng thêm trầm trọng.
Theo các chuyên gia, kỷ luật giao thông là một nguyên nhân khác của nạn tắc đường. Tại nhiều thành phố, người tham gia giao thông có thể dễ dàng dừng và đỗ xe ở những nơi họ không được phép. Xe taxi thường xuyên đậu sai làn để chờ khách. Trong khi đó, các thành phố này không có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe hành vi vi phạm giao thông.
Năng lực đường bộ cũng là một nguyên nhân. Tại các thành phố lớn tồn tại tình trạng những con đường rộng 6 làn xe tồn tại song hành với đường ngõ ngách chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua.
Ngoài ra, quy hoạch đô thị ở các thành phố không thể theo kịp tốc độ bùng nổ dân số và đô thị hóa.
Ví dụ ở Jakarta, phần lớn người dân thích sống những ngôi nhà mặt đất. Vì thế, đất ở khan hiếm, người dân phải ra sống tại vùng ngoại ô. Tuy nhiên, phần lớn khu văn phòng và trung tâm hành chính của chính phủ tập trung ở nội đô, khu vực rộng 20km2…
Hiện các quốc gia Đông Nam Á đang xem xét phương án thu phí tắc đường để giải quyết vấn nạn này. Jakarta đang xem xét lắp đặt hệ thống thu phí với các phương tiện đi vào những con đường chính từ 0,34 - 1,29 USD/lượt, trong thời gian từ 5h - 22h. Mục tiêu là đưa hệ thống vào sử dụng từ 2024, giảm 30% phương tiện cá nhân. Bangkok cũng đang xem xét khả năng thu phí đường bộ trong khoảng 1,46 - 3,5 USD/lượt ở nội đô.
Đảo quốc sư tử là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai hệ thống thu phí tắc đường, bên cạnh hàng loạt biện pháp khác nhằm hạn chế xe cá nhân. Singapore đã thành công trong việc hạn chế người dân sở hữu xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá các quốc gia láng giềng khác ở Đông Nam Á sẽ khó học theo Singapore, ít nhất là lúc này, bởi thiếu đi một mạng lưới giao thông công cộng phù hợp và toàn diện…