Vắc-xin nào cho vi-rút “Bạo lực học đường”?
Một nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội nghi bị đánh hội đồng Vụ nữ sinh trường chuyên Đại học Vinh tự tử: Tạm đình chỉ giáo viên chủ nhiệm |
Khi mỗi ngày đến trường là một ngày lo lắng...
Tối ngày 15/4 vừa qua, thông tin em N.T.Y.N. - học sinh lớp 10A15, trường THPT chuyên Đại học Vinh đã mất tại nhà riêng ở phường Trung Đô, Thành phố Vinh. Nguyên nhân được nhiều người cho là do bạo lực học đường.
Một ngày sau đó, mạng xã hội lan truyền thông tin nữ sinh lớp 10 trường THPT chuyên ĐH Vinh tự vẫn do bị đánh hội đồng, ngược đãi và bị áp đảo tâm lý, kèm theo đó là clip học sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận.
Nhà trường khẳng định, nữ sinh bị đánh trong clip không phải là em N.T.Y.N. Những người tham gia đánh cũng không phải là học sinh của trường THPT chuyên Đại học Vinh.
Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh nơi nữ sinh tự tử từng theo học. |
Cơ quan công an đã và đang vào cuộc làm việc về một số nội dung liên quan đến sự việc nữ sinh lớp 10 này tự tử nghi do bị bạo lực học đường.
Mới đây, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng thông tin với báo chí, trên địa bàn đã xảy ra vụ nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng. Hiện công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là do các nữ sinh này mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, học tập.
Loạt vụ việc trên một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường. Hiện dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan khi để xảy ra sự việc đau lòng trên.
Theo PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Việc học sinh lớp 10 ở trường THPT chuyên của Đại học Vinh tìm đến cái chết là điều đau lòng, do nhiều bất cập. Nhìn chung, những hiện tượng như vậy thi thoảng đã xảy ra, do nhiều nguyên nhân; hiện tượng các nhóm học sinh “tự xử” bằng cách đánh đập, hành hung tập thể với bạn học cũng ngày càng gia tăng. Nói cách khác, bạo lực học đường ngày càng tăng nặng, gây tâm lý bất an cho học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những vụ bạo lực học đường xảy ra suốt thời gian qua phần nào cho thấy tính chất rất nghiêm trọng của nó. Đặc biệt, ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip, phát tán trực tiếp lên mạng xã hội, nhiều vụ việc dẫn đến những hậu quả đau lòng. Trong khi đó, chúng ta lại không mấy quan tâm ngăn chặn bạo lực mà lại ráo riết xử lý những người quay và đưa clip lên mạng xã hội.
Làm giáo dục thì đừng vô cảm
Những vụ việc nêu trên cho thấy, vấn đề ứng phó với bạo lực học đường, khủng hoảng tâm lý vị thành niên lại tiếp tục nóng lên. Từ trước đến nay, đây luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục đau đầu.
Bày tỏ quan điểm về ý kiến trả lời của thầy hiệu trưởng trưởng THPT chuyên ĐH Vinh về việc chưa cho học sinh chuyển lớp, PGS,TS. Nguyễn Văn Dững nêu quan điểm: “Tôi nhận thấy nhà trường hình như chỉ là đơn thuần là đơn vị hành chính, có tình trạng quan liêu, xa rời và không mấy quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng và tâm lý học sinh”.
Theo PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, trả lời của vị hiệu trưởng trường chuyên này là câu trả lời vô cảm. “Làm giáo dục mà vô cảm thì giáo dục học sinh như thế nào? Nhà trường đã như thế, giáo viên chủ nhiệm cũng càng vô cảm, tắc trách; việc chơi theo nhóm trong học sinh cũng không biết; không quan tâm, không nắm bắt tâm lý, nguyện vọng học sinh. Đến giảng viên đại học, dạy chỉ một, hai môn mà còn biết các nhóm sinh viên chơi vơi nhau như nào; đằng này giáo viên chủ nhiệm lớp THPT lại thờ ơ quá mức”, ông Dững bày tỏ quan ngại
Vấn nạn bạo lực học đường ngày càng khó ngăn chặn do sự nở rộ của nhiều hình thức khác nhau như chê bai, dọa nạt, sỉ nhục, nói xấu… Không ít những vụ việc thương tâm khi nạn nhân không chịu đựng nổi áp lực từ các hành vi bắt nạt này.
Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Văn Dững cho rằng nguyên nhân đến từ môi trường giáo dục và xã hội còn nhiều bất an: “Việc chơi theo nhóm trong học sinh, sinh viên đã có từ lâu; và đó là hiện tượng bình thường. Nhưng gần đây, các nhóm tiêu cực phát triển. Nhóm tiêu cực, theo tôi, là chia bè kéo phái, ngày càng tạo ra khoảng cách giữa các nhóm và giữa các nhóm với các học sinh; và bạn nào không hợp với mình, không thích nhau là ….xử hội đồng”.
Kháng sinh nào chống tự tử tuổi học trò?
Nội dung bài chia sẻ gây xôn xao mạng xã hội. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình facebook nhân vật) |
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ bài viết có nội dung: “Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Thương tiếc bao nhiêu, đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn... cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con/cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng đến thế”.
Bên cạnh đó, bài viết nói trên còn đề cập việc trước đó học sinh này học giỏi nhất, nhì trong lớp nhưng bỗng dưng hay nghỉ học. Nữ sinh này còn nói với mẹ là “con sợ đi học, con sợ đến trường”. Vậy mà mẹ cũng không ráo riết tìm hiểu, giúp con …
Sự ra đi đầy thương tâm của nữ sinh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng, công tác tư vấn tâm lý học đường tại các trường học đang bị lãng quên? Nêu ý kiến về câu chuyện này, chị Thu Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội), bà mẹ của con gái 12 tuổi và 15 tuổi, chia sẻ: “Sau sự việc này, nhà trường cũng cần quan tâm nhiều hơn đến cách quản lý các rủi ro trong trường học. Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc bạo lực học đường”.
Theo ông Nguyễn Văn Dững, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, nhà trường cần đặc biệt coi trong hoạt động giáo dục, chứ không chỉ là nơi cho điểm và thu tiền. “Giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường, sau đó mới nói đến cung cấp kiến thức, kỹ năng,…. Nhưng nhìn lại, vấn đề này ở nhiều trường học của chúng ta vẫn còn quá hình thức, thậm chí tắc trách, xa rời học sinh.…”, Giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu ý kiến.
Trong câu chuyện bạo lực học đường, chúng ta không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào. Cùng với nhà trường, gia đình cũng cần có kế hoạch giám sát, bảo vệ trẻ cho đến khi nguy cơ bạo lực hoàn toàn biến mất.
“Con dại, cái mang", vậy nên tất cả các vấn đề của con, cha mẹ bao giờ cũng là người day dứt, khổ tâm nhất. Trong trường hợp những tâm tư và vấn đề của trẻ không được quan tâm và phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng xảy ra những sự việc ngoài tầm kiểm soát, thậm chí là những việc đáng tiếc thì nỗi đau đớn, khổ tâm của cha mẹ lên đến tột cùng" , anh Nguyễn Đức Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm.
Đã đến lúc, xã hội không thể đứng bên lề trong chuyện bạo lực học đường, không thể để con trẻ phải tự bơi giữa bể tư tưởng tiêu cực mà cần sự chung sức, đồng lòng từ gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT được đưa ra trong một cuộc hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức mới đây đã đưa ra những con số đáng buồn. Trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này. |