Vắc xin COVID-19 chính là “lá chắn thép” hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe mỗi người dân
Tại nước ta, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang diễn biến phức tạp, virus SARS-CoV-2 ngày càng “biến hóa” khôn lường, tỷ lệ F0 tăng cao trong cộng động. Đã có nhiều trường hợp mắc COVID-19 là người già, người có bệnh nền tử vong do không tiêm vắc xin. Tại thành phố Vĩnh Yên, trong thời gian gần đây đã có 4 trường hợp tử vong khi bị nhiễm COVID-19 là người già, người có bệnh nền do không tiêm vắc xin. Vì vậy, việc tạo miễn dịch chủ động cho đối tượng người cao tuổi và người cao tuổi có bệnh lý nền nói riêng và tất cả người dân bằng cách tiêm phòng vắc xin COVID-19 là vô cùng cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Việt Phương, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Thực tế đã chứng minh, gánh nặng bệnh tật ở người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền cao hơn gấp nhiều lần người trẻ, người không mắc bệnh nền. Nếu mắc COVID -19, họ sẽ rất dễ tổn thương, bệnh trở nặng nhanh chóng, diễn biến nguy kịch, thậm chí tử vong. Qua thực tế tiêm phòng vắc xin cho thấy, biến chứng nghiêm trọng do vắc xin COVID-19 là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vắc xin và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. So sánh trực tiếp ở những bệnh nhân mắc COVID-19 đã được tiêm vắc xin với người chưa được tiêm, biểu hiện và triệu chứng bệnh của người đã tiêm đều nhẹ hơn rất nhiều hoặc thậm chí là không có triệu chứng.
Do đó, vắc xin COVID-19 chính là “lá chắn thép” hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe mỗi người dân. Mỗi liều vắc xin chính là cơ hội cứu sống một người. Đặc biệt, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt, bởi vì: Độ tuổi càng cao, sức đề kháng càng giảm, các cơ quan trong cơ thể có sự thoái hóa, suy giảm chức năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần, khiến người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc chống lại mầm bệnh. Ở người có bệnh nền như: tim mạch, tiểu đường, huyết áp, COPD… Khi mắc thêm COVID-19, dễ dẫn đến biến chứng, người bệnh phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), thời gian điều trị kéo dài, gây tử vong. Nếu người già mắc COVID-19, virus sẽ thúc đẩy các bệnh mạn tính chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, khiến người bệnh dễ tử vong…
Đồng chí Lê Anh Tân- Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên việc tiêm chủng vacxin sẽ bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân |
Với khả năng chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2 rất kém, người già, người có bệnh lý nền là nhóm đối tượng cần được bảo vệ, ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đồng thời kiểm soát các bệnh lý nền và nâng cao thể trạng để phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo với người lớn tuổi, người mắc bệnh nền không nên có tâm lý chần chừ, kén chọn hay từ chối tiêm chủng vắc xin COVID-19. Chỉ có chủng ngừa COVID -19 sớm mới giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người lớn tuổi, người bệnh nền.
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế, Thành phố Vĩnh Yên hiện có 784 trường hợp chưa tiên vắc xin, trong đó có 282 người già, 86 người điều trị hóa chất; 312 người dị ứng nặng; 71 người bị liệt, đi lại khó khăn; 33 phụ huynh e ngại việc tiêm chủng cho con. Với chủ trương của thành phố, phấn đấu 100% người dân thành phố được tiêm phủ vắc xin, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, trưởng BCĐ phòng chống COVID – 19 thành phố Nguyễn Việt Phương đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND – Trưởng BCĐ phòng chống dịch COVID – 19 các xã, phường khẩn trương triển khai tuyên truyền, vận động các gia đình tại địa phương có người thân cao tuổi, bệnh nền và những người dân còn băn khoăn, e ngại việc tiêm vắc xin chủ động tiêm chủng vắc xin COVID-19 để chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19.
Việc phát triển vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả là một bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch. Trì hoãn tiêm hay “kén chọn” vắc xin vào lúc này chính là rào cản lớn, làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì vậy, người dân thành phố hãy chủ động tiêm chủng vắc xin COVID-19 để chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19.