Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng ở Việt Nam giảm dưới 2%
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế luôn xác định chất lượng thuốc là yếu tố quyết định cho hiệu qủa điều trị của người bệnh, yếu tố quan trọng để đưa thuốc vào điều trị cho người dân.
Vì vậy, hàng năm Cục Quản lý Dược đã lấy nhiều mẫu thuốc trên thị trường để kiểm định, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng, kịp thời xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc kém chất lượng để cảnh báo doanh nghiệp và người dân.
| |
Bộ Y tế đang cố gắng giảm thấp nhất tỉ lệ thuốc kém chất lượng và đưa tỉ lệ thuốc giả về dưới 0,1%. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo Cục Quản lý Dược, năm 2013, Cục đã tiến hành lấy gần 40.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm, kết quả tỉ lệ thuốc kém chất lượng ở mức 2,54%, đến năm 2018, tỉ lệ này giảm xuống còn 1,32%.
Ông Vũ Tuấn Cường cho biết, Bộ Y tế đang cố gắng giảm thấp nhất tỉ lệ thuốc kém chất lượng và đưa tỉ lệ thuốc giả về dưới 0,1%- đây là mức thấp nhất trong khu vực các nước ASEAN.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, nhằm đảm bảo chất lượng thuốc nói chung và thuốc nội nói riêng an toàn, hiệu quả đến tay người dùng cũng như các bệnh nhân.
| |
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). (Ảnh: KT) |
Ông Cường cho rằng, ngành Dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa rất cao. Vì vậy, tất cả các thuốc lưu thông, phân phối trên thị trường đều phải được phép lưu hành của Bộ Y tế và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
“Tất cả các hoạt động trong ngành Dược đều phải được kiểm tra cấp phép trước khi hoạt động. Cụ thể, phải đáp ứng các nguyên tắc Thực hành tốt GMP, GLP, GSP, GDP, GPP”- ông Vũ Tuấn Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, thuốc trước khi đưa lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng phải đáp ứng điều kiện sản xuất (tuân thủ GMP), tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải đảm bảo chất lượng kiểm tra, đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa ra thị trường.
“Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm. Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và kiểm tra đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất 3 năm/lần hoặc đột xuất”- ông Vũ Tuấn Cường nêu rõ.
Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. |