Tuổi trẻ Thủ đô học tập, đưa Kết luận 21 và Nghị quyết 09 vào cuộc sống
Các đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố; Nguyễn Đức Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Thành đoàn Hà Nội dự Hội nghị.
Cùng tham gia học tập trực tiếp tại điểm cầu trường Lê Duẩn còn có các đồng chí là lãnh đạo chi uỷ chi bộ, lãnh đạo các ban, văn phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn Hà Nội; Các đồng chí cán bộ đoàn chủ chốt các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học |
Hội nghị được livestream (phát trực tiếp) trên Fanpage Thành đoàn Hà Nội để 100% cán bộ Đoàn, đoàn viên Thủ đô theo dõi, học tập; Đồng thời thông qua phần mềm Zoom meeting, 107 điểm cầu do 107 cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội tổ chức cũng tham gia theo dõi, học tập nghiêm túc.
Tại đây, tuổi trẻ Thủ đô được nghe đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, báo cáo viên của hội nghị thông tin những điểm nổi bật của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bao gồm: Kết luận số 21-KL/TW về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”" và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học thông tin về Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, Nghị quyết có mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Âm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản...phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Cán bộ, đảng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô học tập, quán triệt các nội dung tại hội nghị |
Tham dự học tập quán triệt nghị quyết, anh Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi nắm chắc hơn các nội dung của nghị quyết, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Đặc biệt, việc tổ chức học tập nghị quyết bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận; Từ đó đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh, sớm nhất, lan tỏa sâu rộng nhất tới đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Đông đảo cán bộ, đoàn viên tham dự hội nghị tại điểm cầu trường Lê Duẩn |
Đây cũng là cách làm tạo sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, theo dõi, đặc biệt với đoàn viên, thanh niên chúng tôi - những người thường xuyên sử dụng môi trường internet sẽ ngay lập tức tiếp cận để hiểu rõ hơn, nắm vững hơn”.
Chị Đỗ Ngọc Linh (Quận đoàn Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia hội nghị trực tiếp tại hội trường, qua báo cáo viên, Linh nắm bắt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong kết luận 21 của Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trường Lê Duẩn |
Báo cáo viên cũng đã thông tin thêm các giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng cụ thể như: Nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhiều hơn; Các cơ chế chính sách cần được hoàn thiện hơn; Việc kiểm trac giám sát, ỷ luật đảng cần tăng cường nhiều hơn…
“Là một cán bộ, đoàn viên, bản thân tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, phổ biến nghị quyết và kết luận đến đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn quận, đồng thời sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thật tốt”, Linh chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội cho biết: Ngay khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 09, Đoàn Thanh niên thành phố đã sớm có chương trình, kế hoạch cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến cũng đánh giá cao tinh thần học tập nghiêm túc trách nhiệm cao của các học viên; Đồng thời tin tưởng các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thủ đô sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 21 phù hợp tình hình, điều kiện tại địa phương gắn với tổ chức Đại hội Đoàn các cấp năm 2022.