Truyền bá mê tín dị đoan “kiểu Thơ Nguyễn”: Coi chừng vừa “mất tiền” phạt, vừa “mang tiếng”

Những ngày này, dư luận đang xôn xao về clip "xin vía học giỏi" youtuber Thơ Nguyễn. Điều này một lần nữa lại xới xáo về hành vi truyền bá mê tín dị đoan, đặc biệt trong thời điểm công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Văn hóa tâm linh, mê tín dị đoan và những tác động hai chiều đến xã hội

Vừa qua ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin, Cục đang phối hợp với Bộ Công an mời YouTuber Thơ Nguyễn lên làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. Cục đã yêu cầu TikTok và YouTube chặn, gỡ các clip của Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm.

Trước đó, kênh YouTube Thơ Nguyễn đăng tải clip “xin vía học giỏi” trên nền tảng tiktok từ ngày 27/2. Trong clip, Thơ Nguyễn sử dụng một con búp bê, tay cầm sợi dây chuyền và nói về việc “xin vía học giỏi” cho các bạn nhỏ.

Truyền bá mê tín dị đoan “kiểu Thơ Nguyễn”: Coi chừng vừa “mất tiền” phạt, vừa “mang tiếng”
Thơ Nguyễn trong clip tiktok "xin vía học giỏi" (ảnh cắt clip)

Clip nhận “gạch đá” dữ dội từ phía cộng đồng mạng, nhất là các bậc phụ huynh vì đối tượng xem kênh này phần lớn là trẻ nhỏ. Họ cho rằng, việc tung clip trên của Thơ Nguyễn sẽ khiến trẻ nhỏ suy nghĩ lệch lạc. Bởi hành động dùng búp bê để “cầu khấn” khiến trẻ nhỏ và phụ huynh liên tưởng đến búp bê Kumathong của Thái Lan – búp bê được nuôi như người.

Mặc dù Thơ Nguyễn đã có hành động “đính chính” nội dung đã đăng tải, nhưng chỉ trong khoảng 2 tuần, clip trên đã có khoảng 5 triệu lượt xem, khiến dư luận dậy sóng.

Liên quan đến clip “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn, có vài điều đáng bàn.

Trước hết phải hiểu rõ mê tín, dị đoan thì bị Nhà nước cấm, còn tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người được pháp luật bảo vệ. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo từ trước đến nay luôn được Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Còn hoạt động mê tín, dị đoan bị bài trừ bằng nhiều biện pháp như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục; xử phạt…

Mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỳ, định mệnh... không có cơ sở khoa học.

Clip của Thơ Nguyễn ngầm nhắc đến việc nuôi búp bê Kumanthong, chơi bùa ngải khiến phụ huynh lo lắng khi không hề có căn cứ khoa học nào. Không những thế, gần 9 triệu lượt tài khoản đăng ký theo dõi, nên việc đăng tải nội dung không rõ ràng, còn nhiều tranh cãi không tránh khỏi việc ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả đang theo dõi kênh của mình.

Với hành động của youtuber Thơ Nguyễn thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền khác nhau.

Cụ thể, những vi phạm về mê tín dị đoan pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội…

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gây ra để sung vào ngân sách Nhà nước…

Có thể với nhiều người, số tiền phạt như vậy chưa đủ sức răn đe với những hành vi như của youtuber Thơ Nguyễn, nhưng với bản thân những người sáng tạo nội dung như Thơ Nguyễn thì việc đánh mất niềm tin của khán giả, bị “cấm cửa” lại là cái mất lớn nhất.

Thực tế thời gian qua, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến việc truyền bá, hành nghề mê tín dị đoan được dịp nở rộ. Nhiều người dùng mạng xã hội quá quen với tài khoản của “cô NH", theo thông tin trên tài khoản facebook là ở Ninh Bình hay “cậu ĐTK" người Hưng Yên hiện sống ở Hà Nội với hàng trăm nghìn lượt tương tác khi livestream. Mục đích chính là làm tăng lượng xem, chia sẻ của trang facebook và lợi dụng sự cả tin của người tham gia để bán những món đồ tâm linh, hoặc chuyển tiền lễ bái vào các tài khoản cá nhân của chủ trang Facebook.

Nên chăng, với những người có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng cần thiết phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng tải một nội dung gì, bởi ranh giới giữa việc “hút view” và “vi phạm pháp luật” đôi khi rất mong manh.

Hoa Thành
Phiên bản di động