Tràn lan sai phạm trong rừng cây Sơn tra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Nhiều thiếu sót về hồ sơ, hợp đồng, biên bản nghiệm thu… trong dự án trồng cây Sơn tra trong khu vực phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2014-2018 do Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên làm chủ đầu tư.
Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu - Bài 3: Danh dự, trách nhiệm và nỗi đau Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu – Bài 2: Cắt xén tiền lương, không đóng bảo hiểm và biên chế trái luật Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu - Bài 1: Xin đừng đẩy chúng tôi ra đường

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc thực hiện dự án trồng cây Sơn tra theo Quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt dự án trồng cây Sơn Tra trong khu vực phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2014-2018.

nhieu sai sot tai du an rung son tra o vuon quoc gia hoang lien
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên là chủ đầu tư của dự án trồng cây sơn tra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa, Lào Cai.

Theo đó, tại 4 xã Tả Van, Lao Chải, San Xả Hồ, Bản Hồ (thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã trồng mới 283,6 héc ta cây sơn tra với tổng mức đầu tư là 15,9 tỷ đồng (làm tròn số - pv). Trong đó, gần 14,5 tỷ đồng là chi phí trồng và chăm sóc; chi phí quản lý và chi phí khác chỉ có xấp xỉ 1,4 tỷ đồng. Tổng số vốn nhà nước hỗ trợ là 10,4 tỷ và vốn của các hộ nhận khoán là 5,4 tỷ đồng.

Chưa hoàn thiện nhưng báo cáo hay

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã triển khai thực hiện dự án trồng rừng cây Sơn tra qua các năm 2014-2015 thực hiện 110,7/122,4 héc ta, còn 11,7 héc ta chưa thực hiện (mà chuyển sang năm 2016 để trồng).

Năm 2016 thực hiện trồng 51,5/106 héc ta, còn 54,7 héc ta diện tích chưa thực hiện (do tranh chấp đất đai giữa Vườn Quốc gia Hoàng Liên và người dân) nhưng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện rút tiền để thanh toán cho người dân, sau đó chuyển sang thực hiện trồng bù vào năm 2017 và 2018 với tổng số tiền là xấp xỉ 425 triệu đồng (trong đó, hơn 62 triệu đồng bị tồn ở kho bạc và tạm ứng cho người dân là 362.062.137 đồng.

Sau khi rút số tiền tạm ứng, Ban Quản lý đã ứng tiền công cho 16 hộ gia đình tại xã Lao Chải, Tả Van với tổng số tiền hơn 362 triệu đồng.

Cũng theo Ủy ban kiểm tra, năm 2016, Vườn Quốc gia Hoàng Liên chưa trồng đủ diện tích được giao nhưng hồ sơ nghiệm thu thanh toán là 1,8 tỷ đồng; còn lại hơn 424 triệu đồng. Về việc này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành lập đoàn kiểm tra và có báo cáo cho trồng bù diện tích còn thiếu.

Qua thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai và ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện trồng bù đủ diện tích 47 héc ta cây Sơn tra của năm 2016 chưa hoàn thành.

Theo phía đại diện của Ban Quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên, nguyên nhân diện tích của một số cây bị chết là do chăm sóc chưa kịp thời, không đúng quy trình kỹ thuật, cây trồng tại một số lô đất có hiện tượng sâu đục thân, trồng vào vị trí khô cằn nên kém phát triển. Qua đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đề nghị UBND tỉnh Lào Cai kết thúc việc trồng rừng với dự án trồng cây Sơn tra, không trồng thêm.

Nhiều sai sót và thiếu hồ sơ

Tiếp đó, ngày 20/3/2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng thuộc dự án trồng cây sơn tra trong phân khu phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên từ năm 2014-2018.

Cụ thể, hồ sơ trồng cây Sơn tra năm 2014 của Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn thiếu danh sách hộ nhận khoán, sơ đồ lô rừng khoán thi công; hồ sơ sai hợp đồng không rõ thời hạn, biên bản nghiệm thu và thời gian ký hợp đồng trồng rừng không phù hợp về thời gian (nghiệm thu bước 1 vào 15/1/2015, nhưng hợp đồng giao khoán lại vào ngày 4/3/2015). Ngoài ra, thời gian ký hợp đồng và biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng trồng rừng chưa đúng quy định của pháp luật (hợp đồng lập 4/3/2015 nhưng biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng ngày 26/3/2015).

nhieu sai sot tai du an rung son tra o vuon quoc gia hoang lien
Nhiều diện tích tại xã Tả Van, Lao Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai không có cây Sơn tra.

Trong năm 2016, hồ sơ dự án thiếu danh dánh các hộ nhận khoán kèm theo hợp đồng khoán trồng, chăm sóc rừng; trích lục sơ đồ lô thiết kế trồng rừng để giao cho bên nhận khoán.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có nhiều sai sót trong biên bản nghiệm thu cơ sở như nghiệm thu bước 1 và bước 2 chưa ghi ngày tháng nghiệm thu, một số biên bản còn thiếu chữ ký của cán bộ kế toán, hợp đồng chăm sóc rừng còn thiếu chữ ký của hộ nhận khoán, biên bản nghiệm thu trồng rừng ở một số lô thực hiện phát dọn bì chưa đạt 100% diện tích vẫn cho tiến hành trồng rừng.

Nghiêm trọng hơn, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được phê duyệt 106,2 héc ta diện tích trồng năm 2016, trong khi mới tổ chức thi công trồng được 53,5 héc ta, nhưng lại báo cáo nghiệm thu toàn bộ diện tích 106,2 đủ điều kiện thanh toán.

Trong những năm 2015, 2017 và 2018 Chi cục Kiểm lâm Lào Cai không kiểm tra được với lý do đã nộp hồ sơ cho Sở Tài chính để duyệt quyết toán.

Đoàn kiểm tra khi kiểm tra thực địa, diện tích thực trồng mà Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên triển khai là 254,4/256,2 héc ta. Trong đó, diện tích còn cây là 232,78 héc ta, khả năng thành rừng là 74,56 héc ta (chiếm 32,03% so với diện tích còn cây).

Diện tích không còn cây là 21,62 héc ta và diện tích chưa trồng là 1,8 héc ta.

Trong 4 năm triển khai, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã trồng đạt 89,7% mục tiêu của dự án đề ra, đã giải ngân vốn 6.178.065.466 đồng và số kinh phí chưa được cấp là hơn 1,5 tỷ đồng.

(Còn nữa…)

Đức Mậu
Phiên bản di động