“Tính mạng con người quan trọng hơn bất kỳ nghi lễ nào”
Ngay trong ngày đầu tiên của Lễ hội năm nay, 16/2 (12 tháng Giêng), Lễ hội Phết Hiền Quan 2019 đã bị tạm dừng do không thể đảm bảo được an ninh trật tự.
Trước cảnh tượng hỗn loạn, hàng trăm thanh niên xé rào, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh lao vào tranh cướp phết ở hội phết Hiền Quan, ngay lập tức BTC Lễ hội đã quyết định tạm dừng và có thông báo không tiếp tục tổ chức đánh phết vào chiều 17/2 ( 13 tháng Giêng) như thường lệ.
Sáng 17/2, UBND huyện Tam Nông chính thức có văn bản gửi đến xã Hiền Quan yêu cầu Ban tổ chức lễ hội dừng hoạt động cướp phết vào ngày 17/2 và hoạt động đánh phết vào các năm sau, còn các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường.
Trước “công lệnh” này, hàng trăm trai làng Hiền Quan đã đánh trống, hò hét và vây BTC lễ hội bày tỏ sự phản đối. Cũng xoay quanh văn bản yêu cầu bỏ “đánh phết” tại Hội Phết Hiền Quan, có người ủng hộ cơ quan quản lý cũng có ý kiến cho rằng: “Hội không còn là hội nếu bỏ phần nghi lễ”.
Trao đổi với phóng viên xoay quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, không nghi lễ nào quan trọng bằng tính mạng con người.
Ông nhấn mạnh, UBND huyện Tam Nông đã làm đúng khi yêu cầu tạm dừng nghi lễ cướp phết trong lễ hội năm nay. Điều này còn đúng với tinh thần và quy định chung của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).
“Đối với những người phản ứng, hãy hỏi họ xem, tính mạng, sức khỏe của con người là quan trọng hơn hay việc thực hiện nghi lễ mà xảy ra xô xát nguy hiểm đến tính mạng?”, chuyên gia văn hóa đặt câu hỏi.
“Đối với những người phản ứng, hãy hỏi họ xem, tính mạng, sức khỏe của con người là quan trọng hơn hay việc thực hiện nghi lễ mà xảy ra xô xát nguy hiểm đến tính mạng?”, chuyên gia văn hóa đặt câu hỏi.
Theo ông, cảnh cướp phết hỗn loạn khiến lễ hội trở nên phản cảm, mất hết tính nhân văn.
Một nét văn hóa đẹp đẽ cần phải trưng ra những mặt tích cực để giới thiệu với bạn bè năm châu. Với những mặt tiêu cực cần biết hạn chế, thậm chí triệt tiêu.
So sánh lễ hội cướp phết với môn bóng đá, nhà nghiên cứu phân tích: “Bóng đá của nước Anh cũng từng là một trò chơi dân gian mang tính bạo lực. Nhưng bây giờ, trò chơi dân gian ấy đã là môn thể thao vua, được phổ biến rộng rãi trên thế giới, lan tỏa tinh thần đẹp đẽ về tính đoàn kết, nhân ái.
Cướp Phết Hiền Quan hay bất kỳ lễ hội dân gian nào của Việt Nam cũng có thể làm được điều đó. Miễn là chúng ta biết làm thế nào để những lễ hội tốt lên từng ngày, đánh thức phần văn hóa đẹp đẽ trong đó. Có như thế, văn hóa Việt Nam mới được quảng bá sâu rộng, mang tầm thế giới”.
“Truyền thống không bao giờ đứng yên mà luôn vận động theo sự phát triển của xã hội” - chuyên gia văn hóa khẳng định.
Cũng bàn về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cho hay, thực tế, không có lễ hội xấu. Chỉ có người tham gia có hành vi không đúng mực dẫn đến sự thái quá và biến tướng lễ hội.
Bày tỏ sự tiếc nuối khi lễ hội cướp Phết Hiền Quan bị dừng lại, GS Ngô Đức Thịnh cho hay, hiện nay, các chuyên gia văn hóa đang phải tìm cách nghiên cứu phục dựng một số lễ hội mà nghi thức chính đã có sự mai một theo thời gian.
"Nghi lễ cướp phết buộc phải dừng để đảm bảo trật tự, an ninh, tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Đó là bài học để những người tham gia phải biết điều tiết các hành vi để lễ hội được diễn ra một cách độc đáo mà vẫn giàu tính nhân văn, đẹp đẽ" - nhà nghiên cứu văn hóa cho biết.