Tỉnh Bắc Giang "dung túng" cho các chủ lò gạch thủ công đến bao giờ?
Lộ trình xóa bỏ vĩnh viễn lò sản xuất gạch nung bằng công nghệ lạc hậu, lò vòng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Cụ thể, tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, giao Bộ Xây dựng tham mưu lộ trình và chấm dứt gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò vòng.
Lò gạch thủ công lạc hậu gây ảnh hưởng tới môi trường |
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ xoá bỏ lò vòng lạc hậu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngày 19/9/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 2155/KH-UBND yêu cầu từ ngày 31/12/2018 phải chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò vòng và lò cải tiến (hoffman) trên địa bàn các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang.
Gần đây nhất, ngày 10/9/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8616/VPCP-CN về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung, sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung gửi Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh thành. Theo văn bản trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều chủ lò gạch Tuynel không hiểu vì sao mà tỉnh Bắc Giang nhiều lần "trì hoãn" xóa bỏ lò gạch thủ công như vậy |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có khoảng hơn 50 lò vòng lò cải tiến (hoffman) đang hoạt động ở tỉnh Bắc Giang, tập trung nhiều tại các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam. Hầu hết các lò vòng này đều không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, không tuân thủ các quy định của pháp luật và gây ô nhiễm môi trường.
Lộ trình của Chính phủ đề ra cụ thể như vậy, tuy nhiên, mới đây Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang có văn bản số 388-TB/TU thông báo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy về việc đồng ý chủ trương gia hạn hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung lò vòng đến hết năm 2020. Văn bản đã khiến cho không ít người dân và doanh nghiệp bất ngờ, đặc biệt là những doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng lò gạch Tuynel nhằm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đồng ý chủ trương gia hạn hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung lò vòng đến hết năm 2020 khiến người dân và dư luận đặt ra nhiều nghi vấn |
Trao đổi với PV, chủ một lò gạch Tuynel bức xúc cho biết: Lộ trình của Chính phủ đề ra là thế nhưng không hiểu tại sao ở tỉnh Bắc Giang cứ kéo dài thời gian rồi gia hạn xóa bỏ lò vòng và lò cải tiến (hoffman) như vậy. Trong khi đó, để đầu tư một lò Tuynel đi vào hoạt động sẽ hết gần 90 tỷ đồng còn loại lò kia chỉ có 2 - 3 tỷ đồng. Vậy thử hỏi làm sao chúng tôi cạnh tranh về giá bán sản phẩm và tồn tại được.
Nhiều người dân khi được hỏi đều bức xúc từ hoạt động sản xuất gạch của lò vòng và lò cải tiến bởi gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới hoa mầu, năng suất cây trồng và sức khỏe. Một số người dân đặt nghi vấn tại sao tỉnh Bắc Giang lại nhiều lần gia hạn cho các chủ lò như vậy, liệu có "lợi ích nhóm" ở đây hay không bởi vì lợi nhuận từ các lò gạch này mang lợi rất lớn.
Lò vòng và lò cải tiến (hoffman) là một phần nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân |
Hiện nay, theo ghi nhận của PV tại nhà máy gạch Yên Sơn (xã Yên Sơn, huyện Lục Nam) và một số cơ sở sản xuất gạch khác thì mọi hoạt động sản xuất, mua bán gạch vẫn diễn ra bình thường.
Liên quan đến việc này, gần đây nhất, ngày 9/5/2019, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi Sở Xây Dựng và UBND các huyện có lò vòng và lò cải tiến về việc thực hiện chấm dứt hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch công nghệ lò vòng.
Văn bản UBND tỉnh Bắc Giang về xóa bỏ lò vòng và lò cải tiến phải chấm dứt hoạt động sản xuất |
Cụ thể: Chủ tịch UBND các huyện thành phố yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng trên địa bàn phải chấm dứt ngay hoạt động nung đốt gạch. Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình sản xuất, nung đốt gạch trái quy định. Không hoàn trả tiền ký quỹ bảo vệ môi trường (nếu có) và tổ chức cưỡng chế, phá dỡ vỏ lò đối với các trường hợp cố tình vi phạm việc nung đốt gạch.
Thực hiện thanh lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hợp đồng thuế đất, giao thầu đất. Đồng thời thu hồi các giấu chứng nhận đầu tư do UBND cấp huyện đã cấp cho các tổ chức, cá nhân để sản xuất gạch nung. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 1/6/2019 để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo nêu trên.
Giao Sở Xây dựng Bắc Giang phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện xóa bỏ lò vòng, lò cải tiến |
Trước chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, PV đã liên hệ với lãnh đạo huyện Lục Nam, huyện Hiệp Hoà để có thêm thông tin cụ thể. Tuy nhiên, lãnh đạo của hai huyện này này hẹn khi khác sẽ trả lời vì hiện tại cán bộ chuyên môn đang tổng hợp số liệu cụ thể.
Việc sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò vòng, lò cải tiến không chỉ gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí, mà còn gây lãng phí tài nguyên bởi việc sử dụng đất màu để sản xuất mà còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng bởi các doanh nghiệp đầu tư bài bản cho công nghệ mới để thay thế công nghệ sản xuất gạch nung kiểu thủ công.
Người dân và dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu đến khi nào tỉnh Bắc Giang mới "mạnh tay" xóa bỏ lò gạch thủ công để đảm bảo môi trường và theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.