Thừa Thiên - Huế: 15 năm mòn mỏi chờ nhà máy xi măng di dời

Nhà máy xi măng Long Thọ có tuổi đời hơn 100 năm ở Thừa Thiên Huế hiện đang bức tử môi trường và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có phương án di dời cách đây hơn 15 năm nhưng đến nay, nhà máy vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.    

Hơn 15 năm chờ di dời

Theo Quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy Xi măng Long Thọ là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Sau khi có quyết định trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai di dời toàn bộ Nhà máy Xi măng Long Thọ ra khỏi thành phố Huế vào năm 2010. Do gặp nhiều vướng mắc nên sau đó tỉnh lùi thời gian thực hiện di dời vào năm 2012. Tuy nhiên, việc thực hiện di dời nhà máy sau đó gần như giẫm chân tại chỗ. Đến năm 2014, tỉnh lại phát văn bản ấn định thời gian hoàn thành di dời toàn bộ nhà máy là vào tháng 6.2016. Nhưng cho đến nay, nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

thua thien hue 15 nam mon moi cho nha may xi mang di doi
Nhà máy xi măng có tuổi đời hơn 100 năm , UBND tỉnh đã có phương án di dời nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

Có mặt tại nhà máy Long Thọ, phường Thủy Biều, TP Huế đầu tháng 4/2019, nhà máy này vẫn hoạt động với hàng chục công nhân làm việc ở nhiều hạng mục như dây chuyền nghiền đá, nổ mìn khai thác đá...

Lượng xe chở đất, đá khai thác chạy ra, chạy vào liên tục làm xuất hiện nhiều khói bụi gây ô nhiễm; bụi bám khắp hai bên đường. Theo khảo sát của PV, quanh khu vực nhà máy, hầu hết cây cối, vườn tược, đất đai, nhà cửa đều trong cảnh "đội tóc bạc", trắng xóa toàn bụi vôi, có nơi đóng một lớp rất dày.

Gia đình chị B., sống cạnh nhà máy cho biết, “Từ nhiều năm trước nghe UBND tỉnh dời nhà máy khiến nhiều gia đình xung quanh phấn khởi, nhưng đến nay nhà máy vẫn còn hoạt động. Hôm nào cũng nghe tiếng ồn cùng khói bụi của xe chạy ngang qua. Mỗi lần nghe mìn nổ là mấy đứa con trong nhà đều sợ”.

Cũng theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng với mong muốn nhà máy sớm đóng cửa. Thế nhưng, hiện vẫn chưa thấy gì...

Theo UBND phường Thủy Biều, việc Nhà máy Xi măng Long Thọ gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn phường trong thời gian dài. UBND phường mong tỉnh sớm thực hiện di dời nhà máy để người dân địa phương thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc điều hành mỏ Long Thọ cho biết, hiện công ty chỉ còn lại mỏ khai thác đá (được UBND tỉnh tiếp tục cấp phép hoạt động) và dây chuyền nghiền đá. Số công nhân cũng giảm mạnh. Bây giờ do gặp khó khăn về kinh phí và công ty vẫn chờ theo tiến độ giải ngân của tỉnh...

Hoàn thành di dời trong năm 2019

Liên quan đến vấn đề trên, trả lời PV, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Long Thọ đã có Công văn số 17/CV-LT ngày 25/5/2010 gửi UBND tỉnh xin thuê đất di dời nhà máy Xi măng Long Thọ tại phường Thủy Biều (TP. Huế) và cho phép công ty nghiên cứu tìm kiếm địa điểm để thực hiện việc di dời nhà máy tại các khu công nghiệp La Sơn, Hương Trà và cụm công nghiệp Thủy Phương.

thua thien hue 15 nam mon moi cho nha may xi mang di doi
Lượng xe ra vào nhà máy nhiều khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của các hộ dân.

Hiện tại, Công ty cổ phần Long Thọ đã cho ngừng hoạt động của lò nung (nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường) vào năm 2012, đồng thời đã chuyển các hợp phần của Nhà máy xi măng Long Thọ bao gồm các xưởng sản xuất gạch không nung, gạch Terazzo vào các năm 2013 - 2014 về cụm công nghiệp Thủy Phương. Đến năm 2016, Công ty được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trạm nghiền xi măng tại cụm công nghiệp Thủy Phương để phục vụ việc di dời nhà máy tại các Quyết định số 2911/QĐ-UBND ngày 18/11/2016, với tiến độ thực hiện: Khởi công quý III/2018; Hoàn thành đưa vào hoạt động quý II/2019.

Cũng theo bà Trâm, việc di dời chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa điểm mới để xây dựng nhà máy (cụm công nghiệp Thủy Phương). Đến nay, Công ty đã tiến hành thỏa thuận, bồi thường và hỗ trợ cho các hộ gia đình cá nhân bị ảnh hưởng tại khu vực thực hiện dự án từ năm 2016. Đến ngày 31/10/2018, Công ty mới hoàn thành và được bàn giao mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Hiện nay công ty đang hoàn chỉnh các thủ tục để nộp ở Sở TN&MT làm thủ tục thuê đất để triển khai dự án. Dự kiến đến Quý II/2020, Công ty sẽ hoàn thành việc di dời trạm nghiền clinker- hạng mục cuối cùng của nhà máy xi măng Long Thọ.

N. Dương- Q.Nam
Phiên bản di động