Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp
Năm 2023 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán |
Chiều 19/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành Tài chính.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong năm vừa qua đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng đánh giá, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19 và các vấn đề về tình hình chính trị thế giới, khu vực; vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, độ mở của nền kinh tế lớn nên sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế có hạn. Vì vậy, chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng có thể gây tác động ngay đến nền kinh tế.
Trong điều kiện khó khăn đó, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vẫn hoàn thành, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 3%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 700 tỷ USD, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được đảm bảo.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng để đạt được kết quả trên là do Đảng và Nhà nước ta kiên định con đường không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng đơn thuần. Muốn đất nước phát triển điều tiên quyết là phải giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ ổn định chính trị, an toàn và trật tự xã hội, đưa vị thế của đất nước ngày càng được nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Tài chính. Ảnh: Hữu Thọ. |
Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện khó khăn nhưng ngành Tài chính có nhiều điểm sáng về kết quả triển khai nhiệm vụ trong năm vừa qua.
“Trong quá trình điều hành đôi khi không tránh được những vấn đề phát sinh, điều quan trọng là phải vượt qua để tiếp tục phát triển. Chúng ta phải bình tĩnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát huy tối đa những kết quả đã làm được, những gì chưa làm được thì phải nhìn nhận một cách khách quan để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, nhất là về giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất; bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải cộng tác trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Trong đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo Chính phủ lấy ví dụ, trước đây Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã quá nới lỏng các điều kiện, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết; các cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng lại quy định theo hướng quá siết chặt, do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi phù hợp.