Thủ tướng: Tiếp tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới
Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch virus Corona |
Ngày 5/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Theo đó, để đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng chỉ đạo việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu những người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng dịch được xuất nhập cảnh qua biên giới (gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không), nhưng phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ: Công thương, Y tế, Ngoại giao, Công An, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo triển khai cụ thể.
Cùng ngày 5/2, Chính phủ cũng đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại đây, vấn đề về dịch virus corona tiếp tục được đưa ra bàn thảo.
Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã báo cáo cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh nCoV tới các lĩnh vực, các kịch bản tác động và giải pháp ứng phó, theo tinh thần được Thủ tướng yêu cầu là tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, quốc tế đánh giá về tình hình dịch nCoV là khá nghiêm trọng, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy, cần có thái độ bình tĩnh, tránh hoang mang.
Về các tác động trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó tác động lên ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân.
Còn theo Bộ Công thương, với vị trí là một quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh...) với mức độ và quy mô lớn với Trung Quốc nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trên diện rộng của dịch.
Theo Bộ Công thương, thời gian qua, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch nCoV đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam như: Xuất nhập khẩu khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất. Trong đó, xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải và thị trường chứng khoán là các lĩnh vực đã chịu tác động ngay và rõ rệt; đầu tư nước ngoài, thương mại nội địa và sản xuất công nghiệp tuy có chịu tác động nhưng là gián tiếp và chỉ cục bộ ở một số ngành hàng, lĩnh vực đầu tư nhất định, địa phương cụ thể.
Bộ Công thương cho rằng, mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý 2/2020, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ là nghiêm trọng.
Trong khi đó, dự báo dịch viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phân tích kỹ từng mặt hàng, kiên quyết nhưng bình tĩnh. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý vối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết.
“Theo đánh giá ban đầu, tình hình sản xuất nông nghiệp các ngành thủy sản, gỗ, rau quả, gạo, nhất là ngành hàng rau quả (trong đó đối tượng chính là một số loại trái cây như thanh long ruột đỏ, dưa hấu) sẽ bị ảnh hưởng trực diện từ các diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh nông sản”, Bộ trưởng nhận định.
Ông Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài.
Trước tình hình dịch, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa yêu cầu tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh việc chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ.
“Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan, coi việc phòng chống dịch như chống giặc. Có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.