Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân
Thủ tướng kêu gọi nhắn tin ủng hộ người nghèo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh |
Cần phải có luật để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, để xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân tham gia.
“Ở các nước phát triển, họ đầu tư xong, người dân chỉ việc hưởng lợi. Nhưng mình, giờ mới vừa sản xuất kinh doanh vừa đầu tư hạ tầng. Trong dân nguồn lực còn rất lớn nhưng chưa kêu gọi được, chưa có luật pháp bảo vệ họ”, Thủ tướng nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội). |
Thủ tướng khẳng định, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đều thúc đẩy Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư ra đời theo hướng một luật thông thoáng cùng có lợi.
Thủ tướng nêu rõ, cần phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan. Bởi hiện nay, do vẫn còn sự chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên các nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam.
Theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư, Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân, thì họ mới yên tâm đầu tư. Thủ tướng khẳng định, tất cả lĩnh vực phải mở rộng hơn để thu hút khối tư nhân tham gia theo phương châm "Nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm "yết hầu" kinh tế như chính sách tiền tệ, an ninh, quốc phòng...
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị, việc tổng quát quy hoạch, kế hoạch Nhà nước nắm, còn phải phân cấp giao quyền cho Chủ tịch UBND, Thường trực Hội đồng nhân dân làm. Chính phủ không nên "ôm" việc, lên dự án chương trình; Đồng thời cần có sự giám sát, đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng nhận định, hợp đồng đối tác công tư rất quan trọng, phải được quy định cụ thể trong luật với những điều khoản cơ bản, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, cần làm rõ dự án có mục tiêu là gì, đóng góp công tư thế nào, đặc biệt phải có quy định đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro và lợi ích là điều cốt yếu vì đầu tư PPP không thể nói là không có rủi ro. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ rủi ro là gì, cơ chế xác định rủi ro ra sao và cần đưa vào dự án Luật PPP, tránh tình trạng rủi ro đó không phải do bản chất của dự án mà do năng lực, khả năng vận hành của chủ đầu tư.
“Trong dự án luật cần làm rõ thêm, đây là dự án đầu tư mà người dân trực tiếp tham gia hưởng thụ và chi trả nên tính chất công khai, minh bạch rất cao. Yêu cầu người dân được tham gia giám sát dự án là đặc biệt quan trọng”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) mong muốn, dự thảo Luật PPP hình thành cơ sở pháp lý thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu thông thoáng để có thể thu hút được doanh nghiệp có năng lực thực sự, có trách nhiệm với xã hội nhưng cũng phải đủ chặt chẽ, không để doanh nghiệp yếu kém có cơ hội tham gia.