Thủ tướng nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành Y tế tổng thể, toàn diện
Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên về xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao |
Sáng 24/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế cũng như tới toàn thể đội ngũ những "chiến sĩ áo trắng" trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Thủ tướng, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình.
"Những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022.
Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới
Theo Thủ tướng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2022 có những kết quả hết sức cụ thể của ngành y tế. Toàn ngành đã tiếp tục triển khai chiến lược vắc xin, trong đó chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia "đi sau về trước", có tỉ lệ bao phủ và hiệu suất sử dụng vaccine cao.
Ngoài việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành y tế đã ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch".
Ngành Y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ/10.000 dân, số giường bệnh/10.000 dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế) và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.
Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch bệnh COVID-19 và được triển khai hiệu quả; khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới được tăng cường. Công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng).
Thủ tướng gửi lời tri ân sâu sắc tới cán bộ y tế trên cả nước |
Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh. Ngành Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và ban hành nhiều văn bản quan trọng khác. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến ngành y tế như các luật về bảo hiểm y tế, dược, dân số, trang thiết bị y tế.... Hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển ngành.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành; số ca mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Y học cổ truyền được quan tâm, đầu tư, phát triển, nhất là vùng trồng dược liệu.
Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tích cực triển khai Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó có chủ trương về tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số; đã điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên mức 100%.
Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Có nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành có trình độ, tay nghề cao, có uy tín tầm khu vực và quốc tế. Nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu, mũi nhọn của Việt Nam được thế giới đánh giá cao (phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu…).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành.
Với mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết số 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Thủ tướng nêu rõ phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn", "Thầy thuốc như mẹ hiền". Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.
Phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cả y học hiện đại và y học dân tộc, cả chuyên môn và dược liệu, cả con người và cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.
Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Triển khai công tác một cách tổng thể, bài bản nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể. Phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, tích cực hơn, tổng thể hơn, hiệu quả hơn.
Ngành Y tế phải khắc ghi và hành động theo Lời thề Hippocrates, 12 điều y đức trong khi triển khai nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên sâu.
Thủ tướng cũng lưu ý trước những khó khăn, thách thức, nhất là những vấn đề tích tụ từ lâu, tất cả các chủ thể liên quan phải phát huy tinh thần trách nhiệm, kiên trì, kiên định, bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhưng linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong thực hiện, điều hành để giải quyết.
11 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành y tế tổng thể, toàn diện.
Với tinh thần "đã nói là làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được", Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung sau.
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...
Hội nghị kết nối từ điểm cầu Chính phủ đến các điểm cầu địa phương |
"Phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi. Trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội" - Thủ tướng yêu cầu.
Thứ ba, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh. Tiếp tục triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có giải pháp bảo đảm duy trì hiệu lực của vaccine. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp... Thực hiện hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, các khu vực tập trung đông người, mùa lễ hội…; nghiên cứu xây dựng trạm y tế tại các khu công nghiệp.
Thứ tư, triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Thứ năm, khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.
Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống, ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Thứ bảy, triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa… Phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục y tế, khám chữa bệnh cho người dân.
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển, xây dựng thương hiệu đối với một số lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền mà Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch chữa bệnh.
Thứ chín, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...
Thứ mười, làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành; đồng thời, củng cố hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam.
Mười một, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa các bộ ngành, các địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế.