Thủ tướng: Đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình
Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học Hà Nội phải đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế số |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra thông điệp trên khi dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ngày 1/10.
Tại sự kiện, dành nhiều thời gian phân tích về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nêu rõ, về cơ sở chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về cơ sở pháp lý, đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong nhiều luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ chỉ rõ, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo liên quan đến nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và cần phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với từng chủ thể, từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước.
Về căn cứ thực tiễn, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, của đất nước, cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. |
Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm lại kết quả đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian qua, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, khó lường; đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.
Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm các gian trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo. |
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
"Đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...).
Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…).
Thứ tư, tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…).
Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia (xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp).
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế (trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu...).
"Tóm lại, thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả", Thủ tướng phát biểu.